1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tranh cãi quanh bằng chứng khẳng định chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư

Trung Quốc và Nhật Bản lại xảy ra tranh cãi về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điều Ngư sau khi Nhật Bản công bố bằng chứng mới cho thấy quần đảo thuộc chủ quyền nước này...

Tờ Thời báo Nhật Bản ngày 17-3 cho biết, Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa công bố trên trang web của mình một bản đồ trong tập bản đồ xuất bản năm 1969 của Chính phủ Trung Quốc, trong đó sử dụng tiếng Nhật để nhắc tới quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, thay vì tên tiếng Trung.
 
Tranh cãi quanh bằng chứng khẳng định chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư
Bản đồ của chính phủ Trung Quốc sử dụng tên tiếng Nhật cho quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Yomiuri Shimbun)
 
Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố, bản đồ (do Cục Khảo sát và Bản đồ quốc gia Trung Quốc xuất bản) là một bằng chứng mới cho thấy, quần đảo nằm tại tỉnh Okinawa là lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản. Bản đồ của Trung Quốc đã sử dụng tên tiếng Nhật “Senkaku” cho quần đảo này, thay vì tên “Điếu Ngư” mà Bắc Kinh hiện đang sử dụng. Tên của hòn đảo Uotsuri, nằm ở cực tây của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng được viết bằng tiếng Nhật.
 
Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Fumio Kishida đánh giá, tấm bản đồ trên rất có giá trị và cho biết, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã cân nhắc việc công khai nó.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố: “Trung Quốc đã thay đổi tên gọi kể từ khi bắt đầu tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo. Bản đồ này chứng tỏ Trung Quốc đã xem quần đảo thuộc chủ quyền của Nhật Bản và đây sẽ là bằng chứng cho các tuyên bố chủ quyền của Tokio”.

Chính phủ Trung Quốc bắt đầu tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư vào những năm 70 của thế kỷ trước, sau khi một báo cáo chỉ ra rằng các khu vực gần quần đảo này có thể có nhiều dầu mỏ và các tài nguyên thiên nhiên khác. Cũng kể từ khi đó, Bắc Kinh bắt đầu gọi quần đảo bằng tên Điếu Ngư.

Sự tồn tại của bản đồ trên đã được một nghị sĩ đảng Dân chủ tự do Nhật Bản tiết lộ hồi tháng trước trong cuộc họp của một ủy ban hạ viện, nhưng gần đây Bộ Ngoại giao Nhật Bản mới quyết định công bố sự tồn tại của tấm bản đồ.

Theo hãng tin Kyodo, ngày 17-3, phản ứng về thông tin trên, Trung Quốc đã bác bỏ tấm bản đồ vừa được Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, mặc dù ông chưa nhìn thấy tấm bản đồ này song nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo đó “không thể bị phủ nhận bởi một hoặc hai người dựa trên một vài tấm bản đồ”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Nếu cần, tôi có thể cho các bạn xem hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tấm bản đồ trong đó đánh dấu rõ ràng quần đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc”.

Quan hệ giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản, vốn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề lịch sử, đã suy giảm nghiêm trọng vài năm qua do cuộc tranh chấp liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Căng thẳng giữa 2 nước liên quan tới quần đảo tranh chấp này đã gia tăng kể từ tháng 9-2012 sau khi Nhật Bản công bố kế hoạch quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo này. Đến cuối năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, bao trùm vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo Mai Nguyên
Quân đội Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm