1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trấn áp bạo động, Mỹ bắt giữ hơn 400 người

(Dân trí) - Lực lượng Vệ binh Quốc gia và cảnh sát ở Mỹ đã bắt giữ hơn 400 người tại thị trấn Ferguson và nhiều nơi khác trên nước Mỹ trong các vụ biểu tình phản đối phán quyết của tòa án trong vụ bắn chết một thanh niên da màu.

Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình ở quận St. Louis ngày 26/11.
Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình ở quận St. Louis ngày 26/11.
 
Thống đốc bang Missouri, ông Jay Nixon cho biết khoảng 2.200 nhân viên thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai các khu vực trung tâm và lận cận tại thị trấn Ferguson, bang Missouri.

Trong đêm ngày 26/11, cảnh sát đã thực hiện 45 vụ bắt giữ, giảm so với 61 vụ bắt giữ trong hôm đầu tiên biểu tình trở thành bạo động ở Ferguson.

Đánh giá về quyết định triển khai thêm lực lượng Vệ binh Quốc gia để ổn định tình hình, Thống đốc Nixon cho biết: "Sự có mặt kịp thời của lực lượng Vệ binh Quốc gia của bang Missouri đã mang tới hiệu quả".

Vụ án mạng tại thị trấn Ferguson xảy ra hôm 9/8 vừa qua đã làm bùng phát làn sóng biểu tình không chỉ ở thị trấn với 21.000 dân chủ yếu là người da màu này mà còn tại nhiều thành phố khác của nước Mỹ, phản đối tình trạng cảnh sát da trắng thường có những hành vi phân biệt đối xử dẫn tới cái chết của các đối tượng là người thuộc các sắc tộc thiểu số.  

Không chỉ tại Ferguson, tại các thành phố lớn khác của Mỹ như Oakland, Los Angeles bang California, Detroit bang Michigan, Sanford bang Florida, cũng diễn ra những cuộc biểu tình quy mô lớn, phản đối các cảnh sát phân biệt chủng tộc.  

Tình hình căng thẳng đã buộc Sở Cảnh sát Los Angeles bang California ban bố lệnh báo động chiến thuật toàn thành phố. Theo đó, các sĩ quan cảnh sát của thành phố này phải thi hành nhiệm vụ ngay cả khi không ở trong ca trực.  

Thông báo của Sở Cảnh sát Los Angeles khẳng định lực lượng chức năng sẽ tôn trọng các cuộc biểu tình hợp pháp, song sẽ bắt giữ những người vi phạm pháp luật, gây rối, đập phá hoặc cố tình cản trở giao thông công cộng.  

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra thông báo cho biết vẫn đang tiến hành điều tra xem liệu viên cảnh sát Darren Wilson có lạm quyền không khi nổ súng nhằm vào nạn nhân Michael Brown.  

          Ngọc Anh
Tổng hợp