1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

TPP và sự kỳ vọng của các thành viên sáng lập

(Dân trí) - Ngay sau khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được 12 nước hoàn tất đàm phán và thông qua tuyên bố chung Atlanta ngày 5/10, giới phân tích coi đây là “hiệp định tiêu chuẩn cao”, “thỏa thuận lịch sử”, “tương lai châu Á”, rồi “định hình thương mại toàn cầu thế kỷ XXI”.

 


Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng bắt tay Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman sau khi kết thúc đàm phán TPP tại thành phố Atlanta, Mỹ ngày 5/10 (Ảnh: EPA)

Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng bắt tay Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman sau khi kết thúc đàm phán TPP tại thành phố Atlanta, Mỹ ngày 5/10 (Ảnh: EPA)

Từ thương mại tiêu chuẩn cao…

TPP là hiệp định thỏa thuận thương mại tự do được đàm phán giữa các nước thuộc khu vực CA-TBD, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Australia, Chile, Singapore, Brunei, Malaysia, New Zealand, Peru, Mexico, Canada. 12 quốc gia thành viên với dân số hơn 792 triệu người, sản lượng kinh tế khoảng 25 ngàn tỷ USD, tương đương 40% GDP toàn cầu và 30% kim ngạch thương mại thế giới.

Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. TPP còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động… tạo “cú hích” phát triển mới cho mỗi thành viên.

TPP sẽ xác lập luật lệ cho thương mại và đầu tư trong thế kỷ XXI cũng như tạo ra những biến chuyển lớn về kinh tế, thương mại và cả pháp lý tại 12 quốc gia thành viên. TPP sẽ trở thành một trong những con đường chính để điều hành kinh tế toàn cầu.

TPP gồm 29 chương, trong đó có 5 chương trực tiếp liên quan đến vấn đề trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Các chương còn lại đề cập nhiều vấn đề liên quan đến các chuẩn mực, tiêu chuẩn khác nhau về môi trường, chất lượng lao động, luật lệ, tài chính, thực phẩm và dược phẩm…

Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể kiện chính phủ một quốc gia thành viên ra tòa án đặc biệt khi nước này đặt ra các luật lệ, chính sách ngược lại với chỉ tiêu của TPP. Tòa án đặc biệt có toàn quyền bắt chính phủ vi phạm đền bù các thiệt hại do họ gây ra, bao gồm cả những mất mát về cơ hội kinh doanh.

Đến lợi ích kinh tế, xã hội…

TPP còn mang lại nhiều lợi ích do giảm thuế về 0% từ mức cao nhất hiện nay là 25%. Do TPP tự đặt ra các luật lệ vượt qua cả phạm vi điều chỉnh của WTO như chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các công ty nhà nước, chất lượng sản phẩm và lao động…

TPP có điều khoản buộc tất cả các nước phải áp dụng thời hạn hiệu lực của bản quyền giống nhau. Trong đó có bản quyền trí tuệ đối với sản phẩm dược; sản phẩm nông nghiệp bơ sữa, tỷ lệ % linh kiện ô tô là những rào cản cuối cùng được tháo gỡ trước lúc tuyên bố chung Atlanta được thông qua.

Ngoài ra Mỹ còn có tham vọng thông qua TPP để tạo ra một nền kinh tế hợp nhất trong khu vực có thể đối trọng với sự phát triển của Trung Quốc, bao gồm cả RCEP và AIIB.

Tổng thống Mỹ Obama cho rằng TPP sẽ “tạo sân chơi bình đẳng” là vùng thương mại tự do lớn nhất thế giới, là nền tảng của “các quy định thương mại thế kỷ XXI”; Thủ tướng Nhật Bản Abe coi “Đây là một kết quả lớn không chỉ với Nhật mà với cả tương lai của CA-TBD.

Bộ trưởng thương mại Australia Andrew Robb mô tả TPP là thỏa thuận quan trọng nhất mà các quốc gia đạt được trong 20 năm qua; còn Bộ trưởng thương mại Canada Ed Fast lại cho rằng: “Chúng tôi đã đạt được những điều mà nhiều người nói là bất khả thi”.

Đón nhận thời cơ, vượt qua thách thức… ​ ​

Đối với Việt Nam, theo giới chuyên gia, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm khoảng 23,5 tỷ USD vào năm 2020, 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm khoảng 68 tỷ USD vào năm 2025. Do các thị trường lớn mức thuế nhập khẩu đều về 0% tạo ra “cú hích” đối với hoạt động xuất khẩu, nhất là các ngành dệt may, giày dép, thủy sản, gạo, hồ tiêu, cà phê... kim ngạch xuất khẩu sẽ có bước đột phá.

TPP giúp Việt Nam có các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng sản phẩm tại các thị trường lớn về dịch vụ và đầu tư ; cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường; thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao; tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN

TPP cũng sẽ tạo ra cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng, theo đó tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo; tăng nguồn lực và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…

Tuy nhiên, tham gia TPP Việt Nam cũng cần vượt qua một số thách thức: (1) Sức ép cạnh tranh, nhất là lĩnh vực chăn nuôi; (2) Áp dụng các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử của bộ máy Nhà nước; (3) Nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp yếu kém và khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động.

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực, theo giới chuyên gia, Việt Nam có thể và cần phải quan tâm đến một số giải pháp sau:

Về nông nghiệp, Việt Nam sẽ phải đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học- công nghệ, chuyển sang mô hình kinh doanh trang trại, đồn điền lớn để giảm thiểu chi phí và tăng tính cạnh tranh. ​

Về thể chế và xã hội, Việt Nam cần sớm điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… và cần tận dụng điều kiện mới để tạo việc làm, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành Việt Nam có lợi thế so sánh.

Như vậy, TPP - Hiệp định tiêu chuẩn cao, độ liên kết sâu, rộng, định hướng cho tương lại của thương mại toàn cầu trong thế kỷ XXI đã khép lại quá trình đàm phán khó khăn và hiệu lực thi hành của Hiệp định chỉ còn là vấn đề thời gian.

Là thành viên của TPP Việt Nam sẵn sàng đón nhận cả cơ hội và thách thức để vượt lên chính mình cùng với các nước hướng về một tương lai phát triển nhanh và bền vững hơn, trong khu vực CA-TBD, nơi được dự báo là sẽ phát triển năng động nhất thế giới trong thế kỷ XXI.

Nguyễn Nhâm

 

TPP và sự kỳ vọng của các thành viên sáng lập - 2

 

Dòng sự kiện: Kết thúc đàm phán TPP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm