Tonga cô lập với thế giới sau vụ phun trào núi lửa "như bom nguyên tử"
(Dân trí) - Vụ phun trào núi lửa dưới đáy biển cuối tuần qua làm gián đoạn hệ thống liên lạc của Tonga, khiến quốc đảo Thái Bình Dương này gần như cô lập với thế giới.
Reuters cho biết, vụ phun trào của núi lửa Tonga-Hunga Haʻapai ở Thái Bình Dương hôm 15/1 đã kéo theo sóng thần và làm đứt kết nối internet, viễn thông của quốc gia này khiến thông tin từ Tonga đến thế giới bị gián đoạn. Ngay cả các trang web của chính phủ và các nguồn chính thức khác vẫn không có cập nhật cho đến chiều ngày 16/1.
Hiện mạng lưới viễn thông đã được khôi phục dần dần, nhưng tro bụi núi lửa và những thiệt hại do sóng thần gây ra tiếp tục gây trở ngại cho người dân ở Tonga.
Vụ núi lửa phun trào được cho là gây thiệt hại đáng kể cho thủ đô quốc đảo này nhưng hiện chưa rõ mức độ cụ thể. Theo các nguồn tin ban đầu, tuy chưa có thương vong, nhưng vụ phun trào dường như đã gây thiệt hại lớn cho hệ thống cầu đường của Tonga.
Khu nghỉ dưỡng bãi biển Ha'atafu, cách thủ đô Nuku'alofa 21 km về phía tây thậm chí bị "xóa sổ hoàn toàn". "Cả bờ biển đã bị phá hủy hoàn toàn cùng với ngôi làng Kanukupolu", chủ của khu nghỉ dưỡng cho biết.
Trong khi đó, tro bụi núi lửa bao phủ cũng làm dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn sức khỏe và ô nhiễm nguồn nước. "Hầu hết mọi người không biết rằng tro bụi rất độc hại nếu hít vào do vậy cần phải đeo khẩu trang", ông Curtis Tu'ihalangingie, Phó chủ tịch phái đoàn của Tonga ở Australia cho hay.
Australia và New Zealand hôm nay đã điều các chuyến bay trinh sát đến Tonga để đánh giá mức độ thiệt hại do núi lửa và sóng thần gây ra.
"Sóng thần đã gây ảnh hưởng đáng kể đến vùng bờ biển phía Bắc Nuku'alofa với các tàu thuyền và những tảng đá lớn dạt vào bờ. Nuku'alofa bị bao phủ trong một lớp bụi núi lửa dày đặc", Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết sau khi liên lạc với Đại sứ quán New Zealand tại Tonga. Bà Ardern cho biết, Tonga đang rất cần nước sạch vì tro bụi gây ô nhiễm nguồn nước.
Một số nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế đã sẵn sàng hỗ trợ Tonga khôi phục hậu quả. Hội Chữ Thập Đỏ cho biết, họ đang huy động mạng lưới cứu trợ ở khu vực để ứng phó cái gọi là vụ phun trào núi lửa nghiêm trọng nhất ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Ông Curtis cho biết, Tonga lo ngại các chuyến hàng cứu trợ có thể làm lây lan Covid-19 đến quốc đảo hiện vẫn sạch bóng Covid-19 này.
"Chúng tôi không muốn hứng chịu thêm một làn sóng nữa, sóng thần Covid-19", ông chia sẻ với Reuters. Ông cho biết, tất cả hàng cứu trợ cho Tonga sẽ buộc phải "cách ly" và có thể chưa phái bộ nước ngoài nào được chấp thuận đáp máy bay xuống Tonga.
Tonga là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ phun trào núi lửa Tonga-Hunga Haʻapai hôm 15/1. Một số đánh giá ban đầu cho thấy, vụ phun trào này đã giải phóng nguồn năng lượng tương đương với hàng trăm thậm chí nghìn quả bom nguyên tử đã dội xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945. Theo các chuyên gia, đây là vụ phun trào núi lửa mạnh nhất ở Thái Bình Dương trong hàng chục năm trở lại đây.