1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Núi lửa đáy biển phun trào ở Thái Bình Dương ngang 1.000 quả bom nguyên tử

Minh Phương

(Dân trí) - Núi lửa Tonga-Hunga Haʻapai ở Thái Bình Dương phun trào cuối tuần qua đã giải phóng một năng lượng lớn có thể tương đương 1.000 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945.

Núi lửa đáy biển phun trào ở Thái Bình Dương ngang 1.000 quả bom nguyên tử - 1

Vụ phun trào núi lửa ở Thái Bình Dương được vệ tinh ghi lại hôm 15/1 (Ảnh: AFP).

Vụ núi lửa Tonga-Hunga Haʻapai dưới đáy biển Thái Bình Dương phun trào cuối tuần qua đã kéo theo sóng thần ở hàng loạt quốc gia. Vụ phun trào đã được một số vệ tinh ghi lại và phần nào cho thấy quy mô của nó. Núi lửa phun trào đã tạo ra các cột tro bụi cao khoảng 20 km và có đường kính khoảng 5 km và tạo ra tiếng động lớn như tiếng nổ lan khắp Thái Bình Dương.

Theo giới chức Fiji, quốc đảo cách Tonga khoảng 800 km, vụ phun trào kéo dài khoảng 8 phút, dữ dội đến mức có thể nghe thấy âm thanh như "tiếng sấm rền" ở nước này. Người dân New Zealand, cách Tonga khoảng 2.000 km, cũng cho biết họ đã nghe thấy "tiếng nổ" vào thời điểm núi lửa phun trào.

Sóng thần tấn công Tonga

Dữ liệu ban đầu cho thấy, đây là vụ phun trào lớn nhất kể từ vụ phun trào của núi lửa Pinatubo Philippines 30 năm trước, chuyên gia về núi lửa New Zealand Shane Cronin cho biết.

Nhà khí tượng học người Mỹ Jared Silverman cũng cho biết, bản thân từng nhìn thấy nhiều thứ qua hình ảnh vệ tinh, nhưng "không điều gì đáng sợ bằng vụ phun trào núi lửa Tonga này".
Đợt phun trào đã gây ra sóng thần ở hàng loạt quốc gia từ Tonga, Nhật Bản, Australia, New Zealand đến bờ biển phía tây của Mỹ.

Trang tin Sina của Trung Quốc đánh giá, vụ núi lửa phun trào này đã giải phóng năng lượng tương đương 1.000 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945. Trong khi có ý kiến cho rằng, năng lượng giải phóng chỉ tương đương khoảng 100 quả bom như vậy. Hiện giới khoa học và giới chức địa phương vẫn đang đánh giá quy mô và tác động của đợt phun trào này. Theo đánh giá của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, vụ phun trào đã gây ra một trận động đất tương đương 5,8 độ richter.

Các quốc gia Thái Bình Dương và các cơ quan cứu trợ đã bắt đầu phối hợp trong công tác cứu trợ và đánh giá thiệt hại.

Giới chức Australia cho biết, đánh giá ban đầu của họ cho thấy không có thiệt hại quá lớn ở Tonga sau khi vụ phun trào núi lửa dưới đáy biển kéo theo sóng thần cao khoảng 1,2 m, nhưng cho biết nó đã làm hư hại nhiều đường xá, cầu cống ở quốc gia này.

Hiện chưa có báo cáo chính thức về thương vong ở Tonga nhưng các đường truyền thông tin liên lạc tại đây vẫn hạn chế. Australia dự định sẽ triển khai một chuyến bay thị sát vào hôm nay 17/1 để đánh giá thiệt hại. Một máy bay P-3K Orion của Không quân New Zealand cũng được triển khai để hỗ trợ đánh giá tác động của vụ phun trào.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm qua nói, sóng thần đã ảnh hưởng đáng kể đến cơ sở hạ tầng ở quốc gia này.

Hội chữ Thập đỏ cho biết, họ đang huy động mạng lưới ở khu vực để ứng phó với cái mà họ đánh giá là vụ phun trào núi lửa nghiêm trọng nhất ở Thái Bình Dương trong hàng chục năm qua. Cơ quan này lo ngại, nhiều cộng đồng ven Thái Bình Dương có thể không đủ nước sạch do tình trạng ngập mặn hoặc do ảnh hưởng của tro bụi.

Theo www.smh.com.au