1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo về nguy cơ xung đột hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo những tiến bộ công nghệ và căng thẳng địa chính trị leo thang khiến nhân loại có nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân cao nhất kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo về nguy cơ xung đột hạt nhân - 1

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (Ảnh: Getty).

"Nhân loại đang ở trên lưỡi dao. Nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đã đạt đến mức độ chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh", Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói trong một bài phát biểu hôm 7/6 tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí ở Washington, Mỹ.

Ông Guterres tuyên bố các quốc gia đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang, sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường khả năng sẵn sàng cho một cuộc xung đột tiềm ẩn.

Ông cho rằng, những tiến bộ như vậy đang "làm tăng thêm nguy cơ" sử dụng vũ khí hạt nhân và thỏa thuận kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại giữa Mỹ và Nga sắp hết hạn vào năm 2026.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết các quốc gia có vũ khí hạt nhân phải đi đầu trong việc thúc đẩy các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân mới.

Ông kêu gọi tái khẳng định lệnh tạm dừng thử nghiệm hạt nhân, cam kết không tiến hành tấn công phủ đầu và đặt nền móng cho thỏa thuận kế thừa cho thỏa thuận START mới trước khi hết hạn.

Ngoài ra, các cường quốc cũng phải giải quyết mối đe dọa từ AI bằng cách đồng ý rằng mọi quyết định phóng tên lửa đều "do con người thực hiện, không phải máy móc hay thuật toán".

Bình luận của Tổng thư ký Liên hợp quốc được đưa ra khi sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lan rộng và có khả năng xảy ra xung đột hạt nhân.

Mỹ và các thành viên NATO khác đã cáo buộc Moscow leo thang căng thẳng hạt nhân, trong khi các nhà lãnh đạo Nga chỉ ra rằng việc phương Tây can dự sâu hơn vào cuộc xung đột Ukraine có thể dẫn đến sự leo thang.

Trong phiên hỏi đáp tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 7/6, khi được hỏi liệu Nga có cần leo nhanh hơn trên thang hạt nhân hay không, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga chưa bao giờ khởi xướng việc leo thang như vậy.

Tổng thống Putin nói rằng học thuyết hạt nhân của Nga nêu rõ rằng vũ khí hạt nhân chỉ có thể được sử dụng khi Nga đối mặt với "mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".

"Nga sẽ chỉ xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp đặc biệt, nhưng trường hợp đó chưa xảy ra", ông Putin nói.

Tuy vậy, nhà lãnh đạo Nga cảnh báo "không thể loại trừ" sự thay đổi trong học thuyết hạt nhân.

Tổng thống Putin cũng bày tỏ hy vọng "sẽ không bao giờ xảy ra" một cuộc đối đầu hạt nhân giữa Nga và phương Tây.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng phương Tây sẽ mắc "sai lầm chết người" nếu nghĩ Nga không sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để chống lại Ukraine. Ông cũng nói về khả năng tấn công các quốc gia thù địch bằng vũ khí hạt nhân chiến lược.

Theo RT