1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thư ký Liên hiệp quốc: "Đã đến lúc phải cải tổ Hội đồng Bảo an"

Thanh Thành

(Dân trí) - Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, đã đến lúc phải cải tổ cả Hội đồng Bảo an và hệ thống tài chính tiền tệ Bretton Woods để phù hợp với thực tế của thế giới ngày nay.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc: Đã đến lúc phải cải tổ Hội đồng Bảo an - 1

Tổng thư ký Antonio Guterres trả lời báo chí, kết thúc chuyến công du Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh G7 (Ảnh: UN).

Phát biểu hôm 21/5 tại một cuộc họp báo ở Hiroshima, Nhật Bản, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thư ký Guterres cho biết cả Hội đồng Bảo an và hệ thống tài chính tiền tệ Bretton Woods đều phản ánh mối quan hệ quyền lực của năm 1945 và cần được cập nhật.

"Cấu trúc tài chính toàn cầu đã trở nên lỗi thời, rối loạn chức năng và không công bằng. Trước những cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga - Ukraine, nó đã thất bại trong việc hoàn thành chức năng cốt lõi của mình như một mạng lưới an toàn toàn cầu", ông Guterres nhấn mạnh.

Tổng thư ký Guterres cũng nói về cảm nhận với nhóm G7 rằng, các nước đang phát triển ngày càng nhận thức được rằng nỗ lực của G7 trong việc cải cách các thể chế lỗi thời hoặc "xóa bỏ sự thất vọng" của các quốc gia thuộc Nam bán cầu là chưa đủ.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới hồi tháng 1, IMF dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng hơn 6% trong năm nay và năm tới. Chuyên gia kinh tế trưởng kiêm giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm tổng cộng khoảng 50% tăng trưởng thế giới trong năm 2023.

Trong khi đó, ảnh hưởng kinh tế của các nước G7 giàu có đã bị thu hẹp trong 30 năm qua và dự kiến chỉ chiếm 29,9% GDP toàn cầu năm nay, giảm mạnh so với mức 50,7% GDP toàn cầu vào năm 1980, theo IMF.

"Bây giờ chúng ta sẽ xem tác động của các cuộc thảo luận được tổ chức ở Hiroshima là gì", ông Guterres nói. "Các thành viên G7 đã có thể thảo luận với một số nền kinh tế mới nổi quan trọng nhất trên thế giới".

Chủ nhà G7 Nhật Bản đưa ra quan điểm mời các nhà lãnh đạo các nước Nam bán cầu đến Hiroshima để đàm phán. Những nhân vật được mời bao gồm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Hệ thống tài chính tiền tệ Bretton Woods hình thành từ năm 1944, sau cuộc họp của 730 đại biểu đến từ 44 quốc gia tại thành phố Bretton Woods (bang New Hampshire, Mỹ) để xây dựng hệ thống tài chính thế giới sau chiến tranh, tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế.

Hệ thống này đã vận hành với hai thể chế toàn cầu vẫn đang đóng vai trò quan trọng là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), gắn tất cả đồng tiền trên thế giới với đồng USD với tính thanh khoản toàn cầu và khả năng thiết lập các giá trị chung.

Tuy nhiên, việc hệ thống tiền tệ Bretton Woods không thể nhanh chóng ứng phó với các thách thức toàn cầu gần đây đã dẫn tới lời kêu gọi cải tổ thể chế này. Ngoài ra cũng có nhiều tiếng nói kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo Reuters