1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Trump muốn duyệt binh hoành tráng: “Ác mộng” với giới chức Mỹ

(Dân trí) - Giới chức Mỹ được cho là đang “đau đầu” chuẩn bị cho lễ duyệt binh theo đề nghị của Tổng thống Donald Trump, với ước tính chi phí tổ chức không hề nhỏ.

Tổng thống Donald Trump và phu nhân Melania Trump dự lễ duyệt binh tại Paris nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp năm 2017 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump và phu nhân Melania Trump dự lễ duyệt binh tại Paris nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Quyết định ngẫu hứng?

Sau chuyến công du tới Pháp tháng 7 năm ngoái và dự lễ duyệt binh lớn trên đại lộ Champs-Elysees, Tổng thống Donald Trump đã giao cho Lầu Năm Góc nhiệm vụ tổ chức một lễ duyệt binh hoành tráng với các máy bay, phương tiện chiến đấu hạng nặng và quân nhân chuyên nghiệp mặc đồng phục.

Bất kể diễn biến ra sao, đề nghị trên đã đặt ra một thách thức về khâu tổ chức mà gần như chắc chắn sẽ tốn kém hàng triệu USD. Lầu Năm Góc cho biết họ đang lên kế hoạch "chi tiết và cụ thể" cho lễ diễu binh, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin.

Hàng loạt các thiết bị quân sự từ khắp nơi trên lãnh thổ Mỹ, trong đó có một số trường hợp phải chuyển từ nước ngoài về, sẽ được tập trung lại ở Washington, cùng với những thiết bị công nghệ cao, máy móc và nhân viên hỗ trợ kỹ thuật... Tất cả đều không hề dễ dàng. Các nhà tổ chức sẽ phải lựa chọn danh sách những đơn vị quân đội được tham gia, họ mặc đồng phục gì, những vũ khí và thiết bị nào cần mang theo và đảm bảo không có gì sai sót hay chậm trễ.

“Ác mộng” hậu cần

Các binh sĩ Mỹ tham gia lễ duyệt binh năm 1991 (Ảnh: AP)
Các binh sĩ Mỹ tham gia lễ duyệt binh năm 1991 (Ảnh: AP)

Lần gần đây nhất Mỹ tổ chức lễ duyệt binh quy mô lớn là năm 1991, nhân kết thúc chiến tranh Vùng Vịnh. Khi đó tướng H. Norman Schwarzkopf, chỉ huy chiến dịch “Bão táp sa mạc” đã cùng cựu Tổng thống George H W Bush quan sát các lực lượng diễu hành qua một lớp kính chống đạn. Thiết bị quân sự huy động cho lần duyệt binh gồm tên lửa Patriot, xe bọc thép Bradley, xe tăng M1-A1 Abrams và màn trình diễn của bốn máy bay tàng hình F-117.

Tất cả đèn đường khi đó được nhổ lên và xếp kho để tránh vướng víu. Những chiếc xe tăng 67 tấn đã hằn sâu vết bánh xích lên vỉa hè suốt quãng đường diễu binh. Các vật tư phụ được huy động cho buổi lễ gồm ít nhất 300km băng giấy, hơn 4.500kg hoa giấy và 1 triệu ruy băng vàng. Sau khi buổi duyệt binh kết thúc, 1.000 công nhân vệ sinh đã phải làm việc cật lực để dọn dẹp lượng rác thải ra từ hàng trăm nghìn người đến xem. Hơn 544 tấn rác đã được thu gom sau đó.

Ước tính đã có tới 800.000 người đến xem buổi lễ, và do chen lấn xô đẩy nhau nên 115 người đã phải nhập viện cấp cứu. Toàn bộ 1.000 nhân viên cảnh sát của địa phương được huy động để đảm bảo an ninh. Do có máy bay chiến đấu tham gia duyệt binh, sân bay quốc gia Ronald Reagan Washington gần đó phải tạm ngừng mọi hoạt động trong 75 phút, tổng cộng 23 chuyến bay đến và đi đã bị trì hoãn để đảm bảo an toàn hàng không.

Nhờ huy động tối đa tình nguyện viên và hỗ trợ từ các quỹ tư nhân, tổng chi phí cuối cùng đã dừng lại ở con số 12 triệu USD (22 triệu USD nếu tính theo tỷ giá hiện nay), trong đó riêng chi phí vận chuyển vũ khí và trang thiết bị quân sự là từ 5-7 triệu USD.

Các quan chức quân đội Mỹ vẫn chưa đưa ra ước tính chi phí của lần duyệt binh sắp tới, nhưng đã có những ý kiến cho rằng việc phô trương sức mạnh này là lãng phí và không cần thiết.

Tùng Anh

Theo Time