1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump “phá lệ”, lệnh Lầu Năm Góc chuẩn bị duyệt binh hoành tráng

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo các quan chức của Lầu Năm Góc và Nhà Trắng lên kế hoạch chuẩn bị cho một lễ duyệt binh hoành tráng tại thủ đô Washington, tương tự sự kiện mừng quốc khánh Pháp mà ông từng được chứng kiến gần đây.

Pháp duyệt binh rầm rộ mừng quốc khánh

Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania dự lễ duyệt binh mừng Quốc khánh Pháp ở thủ đô Paris (Ảnh: AFP)
Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania dự lễ duyệt binh mừng Quốc khánh Pháp ở thủ đô Paris (Ảnh: AFP)

Chỉ đạo của Tổng thống

Theo Washington Post, mong muốn được nhìn thấy các binh sĩ diễu hành và xe tăng lăn bánh trên các đại lộ ở thủ đô Washington của Tổng thống Donald Trump đang dần trở thành hiện thực khi các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc bắt đầu lên kế hoạch tổ chức một lễ duyệt binh hoành tráng trong năm nay nhằm phô diễn sức mạnh của lực lượng vũ trang Mỹ.

Hai quan chức thạo tin của Mỹ cho biết trong cuộc họp có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph F. Dunford Jr. tại Lầu Năm Góc hôm 18/1, Tổng thống Trump đã chỉ đạo tổ chức một lễ duyệt binh như nguyện vọng của ông lâu nay.

“Các mệnh lệnh diễu binh được đưa ra là: “Tôi muốn một lễ duyệt binh giống như ở Pháp”. Kế hoạch này đang được chuẩn bị ở các cấp cao nhất của quân đội Mỹ”, một quan chức quân sự cho biết, song từ chối tiết lộ danh tính vì kế hoạch lễ duyệt binh cho đến nay vẫn là thông tin mật.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết việc chuẩn bị cho lễ duyệt binh vẫn đang ở giai đoạn “lên ý tưởng” và chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đã ra thông báo xác nhận thông tin này.

“Tổng thống Trump rất quan tâm tới những quân nhân vĩ đại của Mỹ - những người hàng ngày bất chấp mạng sống để bảo vệ cho đất nước của chúng ta an toàn. Tổng thống đã yêu cầu Bộ Quốc phòng tổ chức một lễ kỷ niệm để tất cả người dân Mỹ có thể thể hiện sự trân trọng của họ”, thông báo của Nhà Trắng cho biết.

Ngoài Nhà Trắng, Lầu Năm Góc cũng lên tiếng xác nhận thông tin do Washington Post đăng tải về kế hoạch tổ chức lễ duyệt binh.

“Chúng tôi đã nhận được chỉ đạo và đang trong quá trình xác định các thông tin chi tiết. Chúng tôi sẽ chia sẻ thêm các thông tin mới trong quá trình chuẩn bị kế hoạch”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Thomas Crosson cho biết.

Cảm hứng từ nước Pháp

Tổng thống Trump và phu nhân đứng cạnh vợ chồng Tổng thống Macron trước quốc kỳ Mỹ và Pháp tại lễ duyệt binh ở Paris hồi tháng 7/2017 (Ảnh: Getty)
Tổng thống Trump và phu nhân đứng cạnh vợ chồng Tổng thống Macron trước quốc kỳ Mỹ và Pháp tại lễ duyệt binh ở Paris hồi tháng 7/2017 (Ảnh: Getty)

Hiện thời điểm tổ chức lễ duyệt binh vẫn chưa được ấn định, song các quan chức cho biết Tổng thống Trump muốn gắn lễ duyệt binh này với một ngày lễ nào đó của nước Mỹ. Ngoài ra, giới chức Mỹ cũng tính đến yếu tố thời tiết cũng như sự chồng chéo của các sự kiện. Vai trò của Tổng thống Trump trong lễ duyệt binh này cũng là vấn đề đang được để ngỏ, rằng liệu ông sẽ tham gia trực tiếp vào lễ duyệt binh với tư cách là “tổng nguyên soái” hay chỉ đứng quan sát từ trên khán đài.

Địa điểm tổ chức lễ duyệt binh cũng đang được thảo luận. Tổng thống Trump từng nói rằng ông muốn lễ duyệt binh diễn ra trên Đại lộ Pennsylavania nối trụ sở Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng. Đây cũng là con đường diễn ra sự kiện nhậm chức của ông Trump và đi qua Khách sạn quốc tế Trump của gia đình nhà lãnh đạo Mỹ.

Mong muốn tổ chức lễ duyệt binh của Tổng thống Trump được truyền cảm hứng từ chuyến công du tới Pháp hồi tháng 7 năm ngoái khi nhà lãnh đạo Mỹ được mời tham dự lễ duyệt binh hoành tráng mừng Quốc khánh Pháp ở thủ đô Paris. Trong chuyến bay trở về Mỹ trên chuyên cơ Không Lực Một, các trợ lý của Tổng thống Trump cho biết ông đã nói với họ rằng ông bị choáng ngợp bởi lễ duyệt binh của Pháp và ông muốn tổ chức một sự kiện tương tự như vậy tại Mỹ.

Ý tưởng này vẫn nung nấu trong đầu Tổng thống Trump tới hai tháng sau đó khi ông có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề hội nghị của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2017.

“Đó là một trong những lễ duyệt binh lớn nhất tôi từng được chứng kiến. Đó là sức mạnh quân sự và tôi nghĩ đó thực sự là điều lớn lao cho nước Pháp, cho tinh thần của nước Pháp. Chúng tôi có thể sẽ làm gì đó tương tự như vậy ở Washington”, ông Trump nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp.

Nhiều vấn đề để ngỏ

Các binh sĩ Mỹ tiến về phía Lầu Năm Góc trong lễ duyệt binh mừng chiến thắng sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 (Ảnh: AP)
Các binh sĩ Mỹ tiến về phía Lầu Năm Góc trong lễ duyệt binh mừng chiến thắng sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 (Ảnh: AP)

Việc phô diễn sức mạnh quân sự trong các ngày lễ lớn không phải là truyền thống thường thấy ở Mỹ và chi phí cho các hoạt động này cũng không hề rẻ. Quá trình vận chuyển các xe tăng Abrams hay các khí tài công nghệ cao tới Washington để tham gia duyệt binh có thể tiêu tốn hàng triệu USD. Hơn nữa, giới chức quân sự Mỹ cũng không biết số tiền này được chi trả bằng cách nào. Dù dược chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, các cuộc duyệt binh quân sự quy mô lớn vẫn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro, bên cạnh các vấn đề do lịch sử để lại.

Ngoại trừ một số lần hiếm hoi như lễ duyệt binh năm 1991 dưới thời cựu Tổng thống George H. W. Bush tại Đại lộ Constitution để ăn mừng chiến thắng sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh, các tổng thống Mỹ thường tránh phô diễn sức mạnh của các khí tài quân sự. Điều này xuất phát từ sự liên tưởng của người Mỹ tới các lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ thời Liên Xô hay gần đây là các sự kiện phô diễn tên lửa của Triều Tiên.

Theo nhà sử học Michael Beschloss, việc trình diễn uy lực của các loại vũ khí trên các tuyến phố ở Washington không phải là điều chưa từng có tiền lệ tại Mỹ. Các cựu Tổng thống Harry S. Truman và John F. Kennedy đều đã “khoe” các khí tài quân sự Mỹ trong các lễ duyệt binh nhân dịp nhậm chức, lần lượt vào các năm 1949 và 1961. Đây cũng là những giai đoạn quan trọng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

“Đặt trong bối cảnh lịch sử Mỹ, lễ duyệt binh dường như đưa chúng ta trở lại những ngày tháng căng thẳng của Chiến tranh Lạnh”, sử gia Beschloss nhận định.

Các máy bay chiến đấu của Không quân Pháp tham gia màn trình diễn ở phía trên Đại lộ Champs-Elysees trong lễ duyệt binh năm 2017. (Ảnh: Reuters)
Các máy bay chiến đấu của Không quân Pháp tham gia màn trình diễn ở phía trên Đại lộ Champs-Elysees trong lễ duyệt binh năm 2017. (Ảnh: Reuters)

Thông thường, Mỹ không muốn phô diễn các khí tài quân sự của nước này vì cho rằng đó là điều không cần thiết đối với một siêu cường như Mỹ. Ngoài ra, sự xuất hiện của những chiếc xe tăng với trọng lượng lên tới 70 tấn, vốn được thiết kế để tác chiến ngoài chiến trường, có thể sẽ phá hủy phần mặt đường trên Đại lộ Pennysylavania.

Việc bố trí những vũ khí nào tham gia lễ duyệt binh cũng là một vấn đề cần tính toán. Có ý kiến cho rằng sự xuất hiện của các bệ phóng tên lửa trong lễ duyệt binh có thể sẽ làm khơi dậy chủ nghĩa dân tộc theo phong cách Triều Tiên, hơn là làm tăng thêm tinh thần yêu nước của người Mỹ. Ngoài ra, lễ duyệt binh của Mỹ cũng có thể bị suy diễn là một động thái phô diễn sức mạnh hạt nhân và điều này có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Triều.

Liên quan tới các vấn đề nội bộ của Mỹ, vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và các tướng lĩnh quân đội đang than phiền về khả năng sẵn sàng tác chiến của quân đội và yêu cầu Quốc hội rót thêm ngân sách, việc đưa các khí tài quân sự tham gia một lễ duyệt binh tốn kém có thể phát đi một tín hiệu sai lệch.

Ngoài ra, Tổng thống Trump, một người dù theo học một trường quân sự nhưng chưa từng phục vụ trong quân đội Mỹ, cũng cần chú ý tới các nghi thức khi tham gia lễ duyệt binh. Việc tôn vinh các binh sĩ Mỹ nhưng vẫn phải đảm bảo không “chính trị hóa” công việc của họ từ lâu vẫn là một vấn đề nan giải đối với các tổng thống Mỹ.

Thành Đạt

Tổng hợp