Tổng thống Putin nêu điều kiện đàm phán với Ukraine giữa xung đột vùng biên
(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine dựa trên dự thảo thỏa thuận mà hai bên từng thảo luận ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2022.
"Chúng tôi đã sẵn sàng đàm phán với họ chưa? Chúng tôi chưa bao giờ từ chối điều này, nhưng không dựa trên những yêu cầu phù phiếm, mà dựa trên các tài liệu đã được nhất trí và ký kết tại Istanbul", Tổng thống Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) hôm 5/9.
Khi bình luận về các cuộc đàm phán có thể diễn ra giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Putin cho biết Nga hiểu rõ việc nước này đang đối phó với ai, lưu ý rằng Ukraine dễ dàng vi phạm các nghĩa vụ của mình.
"Chúng tôi hiểu mình đang đối phó với ai. Những nước không coi trọng lợi ích của các quốc gia và dân tộc khác, thật không may, vẫn tồn tại. Họ dễ dàng vi phạm mọi nghĩa vụ mà họ đã đảm nhận, thậm chí cả các tài liệu mà họ đã ký", ông Putin phát biểu.
Theo chuyên gia Andrey Koshkin, Trưởng khoa Khoa học Chính trị và Xã hội tại Đại học Kinh tế Nga Plekhanov, tuyên bố của Tổng thống Putin cho thấy Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine và Moscow không phải bên từ chối đàm phán.
"Tổng thống đặc biệt quan tâm đến Ukraine và không chỉ gửi tín hiệu đến cộng đồng quốc tế. Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng nhất là chúng tôi sẵn sàng đàm phán và không từ chối đàm phán, vì vậy không thể có những câu chuyện sai lệch về vấn đề này. Thứ hai, các thỏa thuận được ký kết tại Istanbul có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu", chuyên gia Koshkin nhấn mạnh.
Vào tháng 3/2022, Nga và Ukraine đã tiến hành các cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột. Theo dự thảo thỏa thuận, Ukraine cam kết trung lập vĩnh viễn, cắt giảm quân đội để nhận được những cam kết an ninh. Thỏa thuận bao gồm các nghĩa vụ của Ukraine về vị thế trung lập không liên kết và từ chối triển khai vũ khí nước ngoài, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, trên lãnh thổ của mình.
Nga cho rằng vòng đàm phán đổ vỡ vào phút chót và Ukraine đã từ chối ký vào dự thảo thỏa thuận sau khi lãnh đạo phương Tây hối thúc Kiev "tiếp tục chiến đấu".
Theo Tổng thống Putin, Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận giải quyết xung đột vào tháng 3/2022 tại Istanbul, nhưng các thỏa thuận không có hiệu lực vì các sắc lệnh của phương Tây nhằm mục đích đánh bại Nga về mặt chiến lược.
"Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận, đó là thỏa thuận toàn diện và người đứng đầu phái đoàn Ukraine đã ký tắt vào tài liệu này, điều đó có nghĩa là phía Ukraine nói chung hài lòng với các thỏa thuận đã đạt được. Nhưng các thỏa thuận của Ukraine cuối cùng vẫn không có hiệu lực vì họ được lệnh không làm như vậy. Giới tinh hoa của Mỹ, châu Âu và một số nước châu Âu muốn gây ra sự thất bại về mặt chiến lược của Nga", ông Putin nói.
Hòa đàm giữa Nga và Ukraine bế tắc sau khi Kiev bất ngờ rút khỏi đàm phán với Moscow về các điều kiện nhằm chấm dứt xung đột. Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Putin.
Ông Zelensky cũng đưa ra "công thức hòa bình" 10 điểm, trong đó có điều khoản yêu cầu Nga rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine. Kiev coi đây là nền tảng cho bất cứ cuộc hòa đàm nào với Moscow.
Trong khi đó, Nga tuyên bố, mọi đàm phán phải dựa trên thực tế mới về lãnh thổ, nghĩa là Ukraine phải công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.
Tổng thống Putin ngày 2/9 cho biết, ông tin rằng Ukraine rốt cuộc sẽ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán bởi chiến dịch đột kích vùng biên giới Kursk ở Nga cuối cùng sẽ thất bại.
Tổng thống Putin chỉ trích cuộc đột kích của Ukraine là hành động "khiêu khích nghiêm trọng" và sẽ bị đáp trả thích đáng. Chủ nhân Điện Kremlin cũng nêu rõ, Nga sẽ không đàm phán khi Ukraine tấn công vào dân thường và các hạ tầng dân sự.
Ukraine tuyên bố đã kiểm soát 100 khu định cư trên diện tích gần 1.300km2 lãnh thổ Nga, đồng thời bắt gần 600 quân nhân Nga. Bất chấp nỗ lực phản công của Nga, lực lượng Kiev được cho là tiếp tục điều quân tiếp viện và triển khai chiến dịch Kursk.