1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Putin: Ít quốc gia trải qua nhiều thử thách nghiệt ngã như Nga

Đại tá Lê Thế Mẫu

(Dân trí) - Ngày 30/12/1999, các báo lớn ở Nga đăng bài viết của Vladimir Putin trên cương vị Thủ tướng Nga có tựa đề "Nước Nga trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba".

Tổng thống Putin: Ít quốc gia trải qua nhiều thử thách nghiệt ngã như Nga - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: TASS/Getty).

Tổng thống Vladimir Putin: Sự lựa chọn lịch sử của nước Nga (kỳ 2)

Kết quả cuộc bầu cử 2024 có thể dự báo trước được bởi Vladimir Putin không chỉ là tổng thống mà còn là lãnh tụ của nhân dân Nga. Sau nhiệm kỳ này, nếu đủ sức khỏe cũng như các điều kiện khác, ông hoàn toàn có thể ra tranh cử vào năm 2030 để lãnh đạo đất nước đến năm 2036.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem vì sao ông được người Nga tín nhiệm cao đến thế. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng Phòng thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng.

Ngày 30/12/1999, các báo lớn đăng bài viết của Vladimir Putin trên cương vị Thủ tướng có tựa đề "Nước Nga trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba". Bài viết này có ý nghĩa như "lời giới thiệu" để chuẩn bị cho ông bước vào Điện Kremlin chỉ sau đó 1 ngày: ngày 31/12/1999.

Trong bài viết, ông đã phác họa những đường nét cơ bản về con đường phát triển của nước Nga trong thế kỷ XXI.  

Niềm hy vọng và cả nỗi lo âu của nhân loại

Theo Vladimir Putin, dù là ngẫu nhiên hay không thì sự khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba cũng trùng khớp thời điểm có tính bước ngoặt lịch sử. Khi đó cục diện chính trị thế giới đang diễn ra những biến động lớn, làm thay đổi căn bản và rất nhanh chóng tất cả các lĩnh vực đời sống của toàn nhân loại liên quan với việc hình thành một chu kỳ phát triển mới được gọi là "xã hội hậu công nghiệp".

Đó là sự thay đổi cơ cấu kinh tế - xã hội, sự đổi mới không ngừng và nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; vai trò hàng đầu của yếu tố con người; hình thành một xã hội kiểu mới không chỉ mang lại những cơ hội để cải thiện cuộc sống của con người mà còn đặt ra những thách thức và nguy cơ mới; các vấn đề bức xúc nhất nảy sinh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội mà ngay cả những quốc gia phát triển nhất về kinh tế cũng phải đối mặt như tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, bạo lực gia tăng, tệ nạn ma túy, vai trò giáo dục của gia đình ngày càng suy giảm...

Không phải tất cả các quốc gia đều được hưởng những lợi ích của một nền kinh tế hiện đại và sự phồn thịnh do nền kinh tế đó mang lại. Sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ và nền kinh tế tiên tiến chỉ diễn ra ở một số ít các quốc gia mà ở đó đang ngự trị cái gọi là "tỷ phú vàng".

Một phần không nhỏ các quốc gia khác tuy cũng đạt đến trình độ mới trong phát triển kinh tế và xã hội vào thời điểm kết thúc thế kỷ XX nhưng chưa thể tham gia vào quá trình hình thành xã hội hậu công nghiệp.

Đa số các quốc gia này thậm chí còn chưa tiếp cận được tới cột mốc này của lịch sử nhân loại. Hơn nữa, sự chênh lệch đó sẽ còn tồn tại trong một thời gian rất dài. Do đó, vào thời điểm chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ thứ ba, nhân loại đang hướng đến thời đại mới không chỉ với niềm hy vọng mà còn cả nỗi lo âu.

Tổng thống Putin: Ít quốc gia trải qua nhiều thử thách nghiệt ngã như Nga - 2

Khu phức hợp Moscow City ở thủ đô Nga (Ảnh: Wikipedia).

Ít quốc gia trải qua nhiều thử thách nghiệt ngã như Nga

Nhận định về đất nước trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba, ông Putin cho rằng, sẽ không nhầm nếu nói rằng, cảm xúc lo lắng và hy vọng ở người dân Nga là đặc biệt sâu sắc và mạnh mẽ bởi trên thế giới có rất ít quốc gia trong thế kỷ XX phải trải qua nhiều thử thách nghiệt ngã như nước Nga.

Ông cho rằng nước Nga được kế thừa vị thế của siêu cường Liên Xô nhưng lại không nằm trong số các quốc gia phát triển kinh tế hàng đầu trong thế giới đương đại.

Trong những năm 1990, GDP của Nga giảm 2 lần, thấp hơn Mỹ 10 lần, thấp hơn Trung Quốc 5 lần. Vào thời điểm năm 1998, GDP bình quân đầu người thấp hơn khoảng 5 lần so với mức trung bình của các nước G8.

Năng suất lao động ở Nga chỉ bằng 20-24% chỉ số tương tự của Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài không vượt quá 11,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với của Trung Quốc là 43 tỷ USD.

Chỉ có 5% doanh nghiệp của Nga tham gia hoạt động đổi mới với quy mô cực kỳ nhỏ. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của Nga giảm mạnh trên thị trường thế giới và chỉ chiếm chưa đến 1%. Con số đó của Mỹ là 36% và của Nhật Bản là 30%.

Tình hình kinh tế - xã hội khó khăn của nước Nga trước thềm thiên niên kỷ thứ ba là hậu quả của hình thái kinh tế kiểu Xô Viết bị phá vỡ hoàn toàn trong khi chưa hình thành hình thái kinh tế mới thay thế. Nước Nga áp dụng cơ chế thị trường dựa trên những nền tảng hoàn toàn khác, có cấu trúc cồng kềnh và bị biến dạng.

Nga chỉ chú trọng phát triển các lĩnh vực sản xuất nguyên liêu thô và các ngành công nghiệp quốc phòng mà ít chú trọng phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và dịch vụ; chưa quan tâm đúng mức đến những ngành then chốt của nền kinh tế hiện đại như tin học, điện tử và truyền thông.

Theo Vladimir Putin, những khó khăn trong công cuộc đổi mới không phải là không thể tránh khỏi và là hậu quả của những tính toán sai lầm và thiếu kinh nghiệm của chính phủ. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những khó khăn và sai lầm, nước Nga đã bước lên đại lộ mà cả nhân loại đang đi theo.

Xác định con đường tiến lên thịnh vượng và hùng cường

Để xác định con đường phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, V.Putin đề xuất chủ thuyết về tư tưởng quốc gia Nga với những nguyên lý cơ bản đã được ông phác họa trong bài viết của mình.

Theo ông Putin, tư tưởng Nga bao gồm các thành tố cơ bản: sự đồng thuận xã hội, chủ nghĩa yêu nước, vị thế cường quốc, vai trò quyết định của nhà nước, sự đoàn kết xã hội dựa trên chủ nghĩa tập thể.  

Về sự đồng thuận xã hội, ông cho rằng, sự đồng thuận xã hội phải dựa trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt, về những vấn đề căn bản như mục tiêu phát triển, các giá trị cần bảo tồn, các mốc xác định mức độ phát triển... Một trong những điểm tựa để tạo nên sự đồng thuận xã hội là các giá trị truyền thống của nước Nga, trong đó có cả các giá trị thời Xô Viết.

Chủ nghĩa yêu nước kết tinh từ niềm tự hào về Tổ quốc Nga, về lịch sử và các chiến công vĩ đại của nước Nga, là khát vọng làm cho đất nước phát triển nhanh, thịnh vượng, giàu mạnh hơn, hạnh phúc hơn. Một khi đánh mất chủ nghĩa yêu nước, người Nga sẽ tự đánh mất mình là một dân tộc đã từng lập nên những chiến công vĩ đại trong lịch sử.

Về vị thế cường quốc, Nga đã từng và sẽ vẫn là một cường quốc xuất phát từ những đặc điểm về địa chính trị, kinh tế và văn hóa.

Hiện nay, vị thế cường quốc của Nga không chỉ được thể hiện ở sức mạnh quân sự mà còn là vị thế dẫn đầu trong quá trình phát triển và áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để tạo ra sự thịnh vượng và mức sống cao cho người dân, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia trên thế giới.

Tổng thống Putin: Ít quốc gia trải qua nhiều thử thách nghiệt ngã như Nga - 3

Tổng thống Nga Putin trải nghiệm vũ khí mới (Ảnh: EPA).

Về vai trò quyết định của nhà nước, trong lịch sử nước Nga, nhà nước luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Một nhà nước mạnh mẽ là nguồn gốc và là sự bảo đảm trật tự, là người khởi xướng và là động lực chủ yếu của bất kỳ sự thay đổi nào.

Nước Nga đang ở trong giai đoạn phát triển mà trong đó bất kỳ một chính sách kinh tế - xã hội nào cũng sẽ có sự xáo trộn một khi các cơ quan quyền lực của nhà nước yếu kém. Do đó, chìa khóa để phục hưng và phát triển nước Nga, trước hết và chủ yếu là khôi phục và xây dựng nhà nước vững mạnh. Đây không phải là nhà nước chuyên chế mà là nhà nước dân chủ.

Về sự đoàn kết xã hội dựa trên chủ nghĩa tập thể, thực tế lịch sử chứng tỏ, ở Nga, khát vọng hướng tới các hình thức hoạt động tập thể và chủ nghĩa tập thể luôn chiếm ưu thế trước các hình thức cá nhân và chủ nghĩa cá nhân.

Vị thế cá nhân của người Nga không chỉ xuất phát từ các nỗ lực cá thể mà còn được gắn với sự giúp đỡ, động viên và khuyến khích của xã hội và nhà nước. Đây cũng là truyền thống lâu đời của người Nga trong lịch sử.

Theo ông Putin, tư tưởng Nga trong thời đại mới được hình thành như là một "hợp kim" gắn kết các giá trị phổ quát của loài người với các giá trị truyền thống Nga lâu đời và đã được thử thách qua thời gian, trong đó có những thử thách nghiệt ngã nhất trong thế kỷ XX.

Ông từng tuyên bố, không một quốc gia nào có thể phát triển bền vững và thịnh vượng trong một thế giới mà tác động của toàn cầu hóa đang "là phẳng" thế giới và có xu hướng đồng nhất hóa mọi thứ, nếu quốc gia đó không có bản sắc và không có hệ tư tưởng quốc gia làm nền tảng.

Trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của tư tưởng Nga, ông Putin phác họa con đường phát triển của đất nước trong kỷ nguyên hậu Xô Viết.

Về sau này, xã hội được biết quan điểm của ông về định hướng phát triển của nước Nga trong lời tuyên bố: "Những ai không thấy luyến tiếc về sự tan rã Liên Xô là người không có trái tim. Còn những ai muốn quay trở lại thời Xô Viết như cũ, người đó không có khối óc".

Như vậy, theo Vladimir Putin, con đường phát triển của nước Nga sau khi Liên Xô tan rã sẽ dựa trên cơ sở kế thừa những giá trị trong truyền thống Nga, trong đó có cả những giá trị Xô Viết không thể bác bỏ.

(Còn tiếp)