Chuyên gia Ấn Độ: Chiến thắng của ông Putin có ý nghĩa với Nam Bán cầu
(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng, có một đặc điểm nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống Nga Putin là sự ủng hộ mạnh mẽ các quốc gia Nam Bán cầu (Global South).
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử vào ngày 17/3, mở cánh cửa cho nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 6 năm tiếp theo.
Theo các chuyên gia, chiến thắng của ông Putin mang lại cơ hội lớn cho các nước Nam Bán cầu (gồm các quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh và các nước đang phát triển ở châu Á), khi nhà lãnh đạo này đã luôn dành sự ủng hộ mạnh mẽ đối với khu vực này trong nhiệm kỳ vừa qua.
"Các nước Nam Bán cầu đang rất cần phát triển kinh tế và muốn có quyền lựa chọn con đường phát triển riêng mà không bị thực thể nước ngoài nào áp đặt. Họ cần sự hỗ trợ cho quá trình phát triển này. Nam Bán cầu hiểu trật tự thế giới đa cực cho phép hình thành một môi trường như vậy. Vì vậy, họ trông cậy vào Nga và Tổng thống Putin để thúc đẩy những nỗ lực này", tiến sĩ Anuradha Chenoy tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á thuộc Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) cho biết.
Dưới thời ông Putin, chính quyền Nga đặc biệt tập trung vào quan hệ với Nam Bán cầu khi ngày càng có nhiều quốc gia đang phát triển vạch ra con đường theo đuổi chính sách đối nội và đối ngoại độc lập đồng thời tuân thủ mô hình phát triển của riêng mình.
Theo nữ tiến sĩ người Ấn Độ trên, nếu so sánh với cách tiếp cận của phương Tây đối với Nam Bán cầu, đặc điểm nổi bật trong chiến lược của Nga là hỗ trợ mạnh mẽ và quan hệ đối tác bình đẳng.
"Thứ nhất, đó là vô điều kiện. Thứ hai, Nga không can thiệp thông qua thay đổi chế độ, trừng phạt, ám sát, can thiệp quân sự. Thứ ba, Nga không tìm kiếm bên được ủy quyền để thực hiện chương trình nghị sự. Thứ tư, Nga không triển khai lực lượng như Cục tình báo Trung ương (CIA) của Mỹ để hoạt động ở nước khác nhằm can thiệp vào chính trị của họ", nữ học giả nhận định thêm.
Các nền kinh tế mới nổi đang thể hiện khả năng phục hồi và linh hoạt đáng kể, trong đó đáng chú ý nhất là việc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đã vượt nhóm các quốc gia công nghiệp hóa trên thế giới (G7) khi xét về tỷ trọng trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP) .
Theo nữ tiến sĩ Chenoy, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024, ông Putin có thể sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước Nam Bán cầu. Bà đánh giá mối quan hệ Nga - Ấn Độ lâu đời là hình mẫu cho mối quan hệ như vậy.
"Ông Putin lên nắm quyền vào năm 2000 là một thời điểm quan trọng trong việc khôi phục quan hệ Ấn Độ - Nga. Kể từ đó, ông Putin đặc biệt quan tâm đến việc đưa các mối quan hệ này lên tầm cao mới. Ông ấy hiểu rõ Ấn Độ và sự lãnh đạo chính trị của Ấn Độ hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác trên thế giới", bà Chenoy cho biết.
Theo bà, vấn đề quan trọng ở đây là ông Putin ủng hộ Ấn Độ mạnh mẽ và không đưa ra phán xét. Ông ấy ủng hộ việc chuyển giao công nghệ và lợi ích quốc gia của Ấn Độ. "Điều này tạo cơ sở cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Ấn Độ và Nga", tiến sĩ Chenoy nói.
Trong khi Nga duy trì tư cách thành viên của mình trong nhiều diễn đàn đa phương, BRICS đại diện cho một nền tảng đoàn kết các châu lục và hình thức quản lý khác nhau.
Cách tiếp cận toàn diện của nhóm đã giúp mở rộng tổ chức này vào tháng 1/2024, khi các nước Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út, Ethiopia, Ai Cập và Iran chính thức gia nhập.
Hồi tháng 8/2023, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, BRICS "không nhằm mục đích thay thế các cơ chế đa phương hiện có, chứ đừng nói đến việc trở thành một "bá chủ tập thể mới".
Theo bà Chenoy, Nga và các nước BRICS đã đề xuất một công thức phổ quát hấp dẫn về tính toàn diện, công bằng và hỗ trợ lẫn nhau. "BRICS không tin rằng địa chính trị là "một trò chơi có tổng bằng không", trong đó sự phát triển kinh tế hoặc an ninh của một số quốc gia trở thành mối đe dọa đối với những quốc gia khác", bà nhấn mạnh.
Mối quan hệ lâu đời của Nga với các nước đang phát triển bắt nguồn từ thời Liên Xô, vốn gặp phải thách thức sau khi phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Hầu hết các quốc gia ở Nam Bán cầu đều bác bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương và bất hợp pháp của phương Tây đối với Nga.
Chiến lược đối ngoại của ông Putin
Khi các lệnh cấm của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ làm tê liệt hoạt động thương mại, cung cấp nông sản và phân bón của Nga cho các nền kinh tế mới nổi, Moscow đã công bố sáng kiến cung cấp miễn phí ngũ cốc và phân bón cho những nước có nhu cầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev, tính đến ngày 21/2, Nga đã viện trợ 200.000 tấn lúa mì cho 6 nước nghèo nhất châu Phi. Năm 2024, Nga dự kiến xuất khẩu tới 70 triệu tấn ngũ cốc. Năm 2023 nước này đã cung cấp được 66 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 51 triệu tấn lúa mì, cho thị trường thế giới bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các quốc gia Nam Bán cầu cũng phớt lờ những nỗ lực của phương Tây nhằm coi Nga là mối đe dọa của thế giới. Trong khi "biểu đồ rủi ro" của Chỉ số An ninh Munich 2023 xếp Nga là rủi ro số một, thì một biểu đồ tương tự do các nước Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đưa ra cho thấy Nga tăng nhẹ từ vị trí thứ 29 lên vị trí thứ 28 và sau đó quay trở lại xếp hạng cũ vào năm tiếp theo.
Tiến sĩ Chenoy cho rằng, nỗ lực cô lập Nga của phương Tây thất bại phần lớn là nhờ chiến lược đối ngoại mà ông Putin lựa chọn.