1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Philippines có thể "ngáng đường" chính sách xoay trục của Obama

(Dân trí) - Những bình luận lăng mạ và chính sách ngoại giao gây sốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang có nguy cơ đe dọa chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương mà Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc đẩy suốt 7 năm qua.


Tổng thổng Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: abc.net.au)

Tổng thổng Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: abc.net.au)

Thất thường, khó đoán

Trong khi một số quốc gia tìm cách chống lại sự bành trướng của Trung Quốc thì Tổng thống Rodrigo Duterte xuất hiện.

Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng kể từ khi nhậm chức, vị tổng thống 71 tuổi của Philippines đã sử dụng những từ ngữ xúc phạm khi nói về Tổng thống Mỹ Barack Obama và tuyên bố chấm dứt hợp tác với Washington trong cả lĩnh vực chống lại khủng bố và tuần tra ở Biển Đông. Ông Duterte đã chuyển hướng thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc và Nga.

Ông Duterte là người khó đoán, một hôm ông gọi Trung Quốc là “hào phóng” nhưng hôm sau lại đe dọa cuộc chiến “đẫm máu” nếu Bắc Kinh tấn công. Các hành động của ông đã làm xói mòn các nỗ lực của Mỹ nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các quốc gia, từ Nhật Bản tới Australia, nhằm chống lại sự bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Khi hành động như vậy, ông Duterte có nguy cơ làm thay đổi hiệp ước quốc phòng Mỹ-Philippines ký năm 1951, vốn là nền móng cho sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Mặc dù Tổng thống Philippines nói ông tôn trọng liên minh này nhưng ông lại liên tục nhấn mạnh tới sự cần thiết về một “chính sách ngoại giao độc lập” và nghi ngờ sự sẵn lòng của Mỹ nhằm can thiệp nếu Trung Quốc chiếm bất kỳ lãnh thổ nào ở Biển Đông.

“Đây có thể làm thay đổi cuộc chơi ở Biển Đông nói chung và cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực nói riêng”, Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Lingnan ở Hong Kong, nhận định.

“Chính sách ngoại giao của ông Duterte có thể làm thay đổi mạnh mẽ bức tranh địa chiến lược của khu vực, khiến Trung Quốc có vị trí lợi thế so với Mỹ”, chuyên gia trên nói thêm.

Với Trung Quốc, một trong những lợi ích lớn nhất là khả năng về một thỏa thuận ở Biển Đông. Chỉ vài tuần sau khi nhậm chức hồi cuối tháng 6, tòa án quốc tế tại La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” là không có cơ sở pháp lý, trong một vụ việc mà chính quyền của người tiền nhiệm của ông Duterte, Tổng thống Benigno Aquino III, khởi xướng.

Một mặt ông Duterte nói ông tôn trọng phán quyết trên, nhưng ông cũng ngụ ý để ngỏ khả năng đàm phán với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, và ông cũng không thúc đẩy việc đề cập tới phiên tòa trong tuyên bố được các lãnh đạo Đông Nam Á đưa ra hồi tuần trước tại Lào. Ngay cả trước khi nhậm chức, ông Duterte đã nói sẽ cân nhắc đặt sang một bên các bất đồng về lãnh thổ vì một tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng.

Hồi tháng 7, Tổng thống Duterte đã cử cựu Tổng thống Fidel Ramos tới Hong Kong để thăm dò lập trường chung với Trung Quốc. Ông Ramos sau đó đã kêu gọi một vai trò lớn hơn của Philippines trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm kết nối các cảng và các trung tâm thương mại khác từ châu Á tới châu Âu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 6/9 nói Trung Quốc “sẵn sàng thực hiện nỗ lực chung với phía Philippines nhằm tái xây dựng sự tin cậy lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ song phương”.

"Đừng ngây thơ thế"

Nhưng Lauro Baja, một cựu thứ trưởng ngoại giao từng từng làm đại diện thường trực của Philipines tại Liên hợp quốc dưới thời cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo, đã lên tiếng cảnh báo: “Đừng ngây thơ về điều này. Không có quốc gia nào khác ngoài Trung Quốc được hưởng lợi từ sự khác biệt của chúng ta với Mỹ và các đồng minh khác”.

“Chúng ta đang gửi một thông điệp sai lầm tới Mỹ, Trung Quốc và các đồng minh khắc bằng những hành động và tuyên bố này”, cựu quan chức trên nói.

Trung Quốc đơn phương đòi chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông. Bắc Kinh nói rằng điều đó cho phép Bắc Kinh có quyền cấm tàu thuyền quân sự lại gần lãnh thổ - một lập trường mà Mỹ kịch liệt phản đối.

“Trung Quốc muốn Biển Đông trở thành một eo biển của Trung Quốc, kiểm soát vùng biển và vùng trời trên đó”, Malcolm Davis, một nhà phân tích cấp cao tại Viện chính sách chiến lược Australia ở Canberra. “Đó là một cuộc chơi dài hơi và việc đẩy ông Duterte về phía Trung Quốc là một cuộc của cuộc chơi đó”.

Việc Trung Quốc tăng cường quân sự và bồi đắp trái phép ở Biển Đông trong những năm gần đây đã khiến một số quốc gia trong khu vực xích lại gần Mỹ. Chính quyền Obama đã thúc đẩy hợp tác quân sự với các quốc gia như Philippines, Singapore và Nhật Bản.

Tuy nhiên, tại một hội nghị ở Lào hồi tuần trước, sự bất đồng với ông Obama về cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte, vốn khiến hàng nghìn người thiệt mạng, đã phủ bóng lên sự chỉ trích nhằm vào Trung Quốc.

“Đó là một viễn cảnh rất tồi tệ”, Hideki Makihara, một nghị sĩ cấp cao trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản, liên hệ với khả năng liên kết chiến lược giữa Philippines và Trung Quốc. Trong trường hợp đó, “ít nhất chúng tôi cần Malaysia và các quốc gia khác quanh Biển Đông đứng về nhóm của chúng tôi”.

Nhưng ông Duterte có thể khó duy trì một sụ thay đổi đối với Trung Quốc. Giáo sư khoa học chính trị Richard Javad Heydarian tại Đại học De La Salle ở Manila nhận định rằng nếu Bắc Kinh từ chối có bất kỳ sự nhượng bộ cụ thể nào ở Biển Đông, đặc biệt về các nguồn đánh bắt tại bãi cạn Scarborough, ông Duterte có thể đối mặt với sự phản tác dụng ở trong nước.

“Đây rõ ràng là lý do tại sao quan hệ an ninh với Mỹ sẽ vẫn không thể thiếu được đối với Philippines”, ông Heydarian viết trong một bài báo hồi tuần trước cho Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Washington. Nhưng Mỹ có thể không còn kỳ vọng mức độ ủng hộ ngoại giao và ưu tiên chiến lược như xưa. “Đây là điều bình thường mới quan hệ Mỹ-Philippines”.

An Bình

Theo Bloomberg