Tổng thống Pháp muốn châu Âu thảo luận về vũ khí hạt nhân
(Dân trí) - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông muốn châu Âu thảo luận về hoạt động phòng thủ chung và các biện pháp răn đe, bao gồm cả vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Macron ngày 27/4 tuyên bố ông sẵn sàng "mở cuộc tranh luận" về vai trò của vũ khí hạt nhân trong hệ thống phòng thủ chung của châu Âu.
"Tôi sẵn sàng mở ra cuộc tranh luận này, trong đó phải bao gồm khả năng phòng thủ tên lửa, khả năng tấn công tầm xa và vũ khí hạt nhân bao gồm cả những nước sở hữu và những nước cho Mỹ đặt chúng trên lãnh thổ", Tổng thống Pháp nhấn mạnh.
"Chúng ta hãy đặt tất cả lên bàn và xem điều gì thực sự bảo vệ chúng ta một cách đáng tin cậy", ông nói, nhấn mạnh Pháp sẽ "duy trì tính đặc thù của mình nhưng sẵn sàng đóng góp nhiều hơn cho việc bảo vệ châu Âu".
Sau khi Anh rút khỏi Liên minh châu Âu, Pháp là thành viên duy nhất trong khối sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Trong bài phát biểu hôm giữa tuần tại Đại học Sorbonne ở Paris, ông Macron cảnh báo rằng châu Âu đang phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ Nga. Ông kêu gọi lục địa này áp dụng chiến lược phòng thủ đáng tin cậy và ít phụ thuộc vào Mỹ.
"Đáng tin cũng có nghĩa là có tên lửa tầm xa để răn đe người Nga. Và sau đó là vũ khí hạt nhân: Học thuyết của Pháp là chúng tôi có thể sử dụng chúng khi lợi ích sống còn của chúng tôi bị đe dọa. Tôi đã nói rằng châu Âu cũng có thể liên quan tới những lợi ích sống còn này", ông nói.
Xây dựng chính sách phòng thủ chung châu Âu từ lâu đã là mục tiêu của Pháp, nhưng nó đã vấp phải sự hoài nghi từ các nước EU khác, những bên coi sự bảo vệ của NATO là đáng tin cậy hơn.
Tuy nhiên, sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát và kịch bản cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể quay lại Nhà Trắng đã khiến một số nước kêu gọi châu Âu tăng cường năng lực tự phòng vệ.
Trong bài phát biểu tại Đại học Sorbonne, ông cảnh báo: "Có nguy cơ châu Âu của chúng ta có thể tàn lụi. Chúng ta không được chuẩn bị để đối mặt với những rủi ro".
Ông đã kêu gọi xây dựng hệ thống phòng thủ châu Âu mạnh mẽ, thống nhất hơn. Ông cũng cảnh báo rằng áp lực quân sự, kinh tế và các áp lực khác có thể làm suy yếu và chia cắt liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia thành viên.
Ông nói rằng người châu Âu nên ưu tiên mua thiết bị quân sự của châu lục này trong một nỗ lực nhằm tăng cường đầu tư hơn nữa vào năng lực sản xuất quốc phòng.
Ông Macron nói: "Chúng ta phải sản xuất nhiều hơn, chúng ta phải sản xuất nhanh hơn và chúng ta phải sản xuất với tư cách là người châu Âu".