1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Obama sẽ thảo luận kỹ vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam

(Dân trí) - Mỹ rất quan tâm tới vấn đề Biển Đông và chủ đề này sẽ được thảo luận kỹ giữa Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm sắp tới, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết tại Hà Nội sáng ngày 10/5.


Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam vào tháng 5 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam vào tháng 5 (Ảnh: Reuters)

Vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam của ông Obama

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel, đã nhận được các câu hỏi của báo chí trong và ngoài nước về vấn đề Biển Đông tại cuộc họp báo tại Hà Nội sáng ngày 10/5, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của ông kéo dài 2 ngày, 9 và 10/5.

Chuyến thăm của ông Russel diễn ra trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào cuối tháng này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong tháng 5 này. Ông Obama sẽ là tổng thống thứ 3 liên tiếp của Mỹ thăm Việt Nam, sau hai tổng thống tiền nhiệm là Bill Clinton và George W. Bush.

Ông Russel cho biết Mỹ rất quan tâm tới vấn đề Biển Đông và chủ đề này sẽ được thảo luận kỹ giữa Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm sắp tới.

"Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thảo luận vấn đề Biển Đông với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong cuộc gặp gần đây. Bản thân tôi đã thảo luận với giới chức Việt Nam về vấn đề này. Tôi tin rằng trong chuyến thăm sắp tới vấn đề Biển Đông sẽ được thảo luận kỹ giữa Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo Việt Nam", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói.

"Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng chúng tôi ủng hộ luật pháp quốc tế và ủng hộ Luật Biển", ông Russel nhấn mạnh.

Ông Russel nói rằng tất các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều là bè bạn của Mỹ, vì vậy Washington có lợi ích mạnh mẽ nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực này. Đó là lý do vì sao Mỹ hợp tác với các nước có tuyên bố chủ quyền, cũng như với các nước ASEAN để giảm căng thẳng và khyến khích các bên tìm ra giải pháp ngoại giao để giải quyết bất đồng và kiềm chế nhằm góp phần đảm bảo sự phát triển thịnh vượng, ổn định của khu vực.

Nhiều nước quan ngại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Ông Russel cho biết, tình hình Biển Đông là mối quan tâm lớn của tất cả các nước, không chỉ đối với các nước có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này như Việt Nam, Philippines, Malaysia… mà còn là mối quan tâm của các nước khác trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

"Không chỉ là vấn đề một hòn đảo thuộc sở hữu của ai mà vấn đề là cách hành xử như thế nào trong vùng biển quốc tế và đây là mối quan tâm của toàn thế giới", ông Russel nói.

Ông Russel nhấn mạnh nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại về các hành động của Trung Quốc trong việc cải tạo đất, cải tạo các thực tế địa lý, xây dựng quy mô lớn và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông.

Quan chức Mỹ cho hay cách đây 2 ngày ông đã có chuyến thăm Lào và gặp gỡ các quan chức cấp cao của ASEAN, các nước tham gia Thượng đỉnh Đông Á. Trong các cuộc thảo luận tại đó, gần như tất cả đại biểu tham gia đều bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình ngày càng căng thẳng trên Biển Đông. Đồng thời, các đại biểu phát biểu ý kiến đều bày tỏ tin tưởng mạnh mẽ rằng tất cả các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền của các nước theo luật pháp quốc tế.

Mỹ khẳng định quyền tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc liệu các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông có khiến Trung Quốc gia tăng các hành động khiêu khích, ông Russel nhấn mạnh rằng những cuộc tuần tra như vậy là nhằm thể hiện quyền của người dân khắp thế giới, chứ không phải là hành động gây căng thẳng.

"Các chuyến tuần tra tự do hàng hải của Hải quân Mỹ được thực hiện theo luật pháp quốc tế. Đây là quyền của không chỉ Mỹ và tất cả các nước khác", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói. "Đó là chính sách thực hiện được nhiều năm, hàng thập niên qua, và việc tuần tra như vậy nhằm ủng hộ một hệ thống quốc tế cởi mở".

Theo ông Russel, Mỹ là quốc gia số 1 thế giới và tàu, thuyền và máy bay của Mỹ có thể đi lại bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không thỏa mãn nếu các nước khác, nhất là các nước nhỏ, không được thực hiện các quyền như Mỹ được hưởng.

"Nếu một nền hải quân mạnh nhất thế giới không thể thực hiện các hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế thì sao hải quân và tàu thuyền của các nước nhỏ hơn có thể thực hiện các quyền đó?. Nếu tàu chiến và tàu hải quân không thực hiện được các quyền chính đáng thì làm sao các tàu của ngư dân và tàu chở hàng có thể thực hiện các quyền đó mà không bị các lực lượng mạnh hơn ngăn cản?", ông Russel đặt câu hỏi.

Quan chức Mỹ khẳng định lại rằng Washington không có tuyên bố chủ quyền nào và cũng không mong sở hữu đảo nào ở Biển Đông. "Chúng tôi không muốn chiếm đoạt bất kỳ cái gì từ ai. Những gì chúng tôi làm là vì 2 lý do: nỗ lực để vùng biển mở tự do cho bất kỳ ai và đảm bảo quyền theo luật pháp quốc tế không bị xói mòn", ông Russel nói.

An Bình