1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Nga Putin: Nhà lãnh đạo bí ẩn nhất hành tinh?

Mặc dù nước Nga chưa từng là quốc gia bí ẩn nhất thế giới như Triều Tiên, nhưng ông chủ Điện Kremlin thì có lẽ lại là vị lãnh đạo bí ẩn nhất hành tinh.

Những giả thuyết mà truyền thông phương Tây đang thêu dệt xung quanh sự vắng mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin hơn 10 ngày qua, cũng như những nhận xét của 3 đời Tổng thống Mỹ về nhân vật được đánh giá là đang khôi phục sự vĩ đại của nước Nga này cho thấy: Mặc dù nước Nga chưa từng là quốc gia bí ẩn nhất thế giới như Triều Tiên, nhưng ông chủ Điện Kremlin thì có lẽ lại là vị lãnh đạo bí ẩn nhất hành tinh.

Từ sự vỡ mộng của 3 đời Tổng thống Mỹ…

Suốt 15 năm, Tổng thống Nga Putin đã khiến 3 đời Tổng thống Mỹ bối rối và bực dọc khi họ cố gắng đánh giá ông, nhưng càng làm lại càng sai. Bill Clinton thấy ông Putin là người lạnh lùng và đáng lo ngại, nhưng dự đoán ông sẽ là một nhà lãnh đạo cứng rắn và có khả năng. George W.Bush muốn ông trở thành một người bạn và đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng ngày càng vỡ mộng. Barack Obama thì cố gắng hợp tác với ông bằng cách xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với các cộng sự của ông trong Điện Kremlin, nhưng mối quan hệ song phương Nga - Mỹ vẫn ngày càng xấu đi và hiện ở thời điểm tồi tệ nhất kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Với các phương thức khác nhau, 3 đời Tổng thống Mỹ đều nỗ lực xây dựng mối quan hệ mới có ý nghĩa lịch sử với Moskva. Nhưng đến cuối cùng họ đều đi đến phát hiện ra rằng, những cố gắng đó đều khó thành trước ông Putin - một cao thủ võ thuật và cựu đại tá KGB. Họ hoặc là tự cho rằng ông là một con người hoàn toàn khác hoặc cho rằng có thể điều khiển được con người vốn không bao giờ chịu bị khống chế. Họ nhìn ông qua lăng kính của mình và tin rằng ông sẽ tính toán lợi ích của Nga như là giả định của họ.

Đó là những tiết lộ của các trợ lý của 3 tổng thống Mỹ trên tờ New York Times hồi năm 2014. Thực tế thì theo những người này, các ông chủ Nhà Trắng không hề ngây thơ mà không nhận ra được con người thực của ông Putin, nhưng họ lại cảm thấy có rất ít lựa chọn ngoài việc cố gắng xây dựng một mối quan hệ tốt hơn. Và có lẽ những chính sách của phương Tây đã làm ảnh hưởng đến cơ hội ấy khi khiến Putin bất bình hơn như việc mở rộng về phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, chiến tranh Iraq và Libya. Đặc biệt, sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga dẫn đến hàng loạt quyết định trừng phạt của Mỹ và châu Âu thì Washington dường như không còn chút ảo tưởng gì về ông Putin nữa. Họ đã thấy sai lầm khi đánh giá thấp sự kiên cường và ý chí bảo vệ lợi ích quốc gia và niềm tự hào dân tộc của ông Putin.

… Đến bôi nhọ vô căn cứ

Mặc dù ông Putin chỉ mới vắng mặt hơn 1 tuần nhưng truyền thông phương Tây đã “nặn” ra đủ kịch bản để tự… giải thích, từ chuyện vớ vẩn nhất như nhà lãnh đạo nước Nga bị… tự kỷ, cho đến chuyện “kinh thiên động địa” như bị đảo chính hay đã qua đời.

Trước hết, giả thuyết ông Putin đã qua đời là một giả thuyết cực kỳ táo bạo và vô lý hết sức. Chỉ cần đọc tin tức về các hoạt động và tuyên bố của ông Putin trong thời gian vắng mặt sẽ thấy nhà lãnh đạo nước Nga vẫn đang làm việc. Ông chỉ thị cho Thủ tướng Dmitry Medvedev chuẩn bị các đề xuất về việc thành lập Cơ quan liên bang phụ trách các vấn đề dân tộc, lên kế hoạch họp hành với Tổng thống Kyrgyzstan vào ngày 16-3, ký 2 đạo luật, 4 sắc lệnh hành pháp và điện đàm với Tổng thống Armennia.

Về tin đồn ông Putin bị ung thư, cúm… thì có lẽ “thường” hơn, bởi cả thế giới đã từng bị đánh lừa đến nỗi “quen” với những tin đồn kiểu này. Nên nhớ, sau khoảng 638 âm mưu của CIA cố ám sát Chủ tịch Cuba Fidel Castro thất bại, cách thức duy nhất còn lại của phía Mỹ là tung tin đồn về tình trạng sức khỏe của Fidel Castro.

Ấy vậy mà, một bài báo trên tờ WashingtonPost hôm 14/3 vẫn đưa thông tin chắc như “đinh đóng cột” rằng không nghi ngờ gì nữa về việc Putin ốm yếu. Dĩ nhiên, hình ảnh một Putin “nam tính” chỉ xuất hiện trên truyền thông phương Tây. Ở Nga, ông Putin sử dụng hình ảnh của mình để thúc đẩy thực hiện các chính sách, như là khuyến khích nam giới Nga tập thể dục thể thao và hạn chế hút thuốc cũng như uống rượu.

Hôm 13/3, phát ngôn viên của Tổng thống, ông Dmitry Peskov cũng đã bác bỏ điều này, đồng thời khẳng định ông Putin vẫn khỏe mạnh và đang bận lo các vấn đề liên quan đến khủng hoảng kinh tế Nga. Theo ông Peskov, ông Putin vẫn liên tục tham dự các cuộc họp nhưng không phải cuộc họp nào cũng được công khai với báo chí.

Hiện giả thuyết nghe hấp dẫn nhất là giả thuyết ông Putin đi thăm con yêu ở Thụy Sỹ. Tin đồn này xuất phát từ lời khẳng định của hai cơ quan truyền thông Thụy Sỹ, nhật báo Blick và Đài RSI về chuyện người phụ nữ bị đồn thổi là nhân tình của ông Putin, nhà cựu vô địch Olympic và dân biểu Alina Kabaeva, 32 tuổi, dường như đang ở trong Bệnh viện Sant’Anna, tại Sorengo, Tessin, Thụy Sỹ, để sinh con. Đài RSI còn dựa theo nguồn tin riêng, khẳng định là ông Putin và cô Kabaieva đã đặt hai phòng trong bệnh viện sang trọng này từ hồi đầu tuần, một phòng dành cho họ và phòng kia cho các nhân viên bảo vệ.

Nhưng, vấn đề là không rõ vì sao ông Putin cần đi Thụy Sỹ để làm việc này. Bởi nếu tính đến các yêu cầu an ninh mà văn phòng Tổng thống phải thực hiện để giữ bí mật cho chuyến đi (giả định) của ông Putin tới Thụy Sỹ thì sẽ tốn kém hơn việc bỏ tiền mua một cơ sở y tế của Thụy Sỹ rồi đưa tất cả nhân viên và thiết bị về Nga. Cũng không rõ vì sao mà nếu ông Putin được cho là biến mất hôm 5/3 thì ông lại mất thời gian lâu đến vậy chỉ để sang đó chuẩn bị cho sự ra đời của đứa con (giả định). Ngoài ra, những người tung tin đồn vô căn cứ đã không đếm xỉa đến thực tế là không có chuyên cơ Tổng thống Nga nào tới Thụy Sỹ trong tuần qua. Mặc khác, đây không phải lần đầu tiên ông Putin “dính” tin đồn tình ái với cô Alina Kabaeva và cũng không phải lần này báo chí phương Tây mới “thêu dệt” ra chuyện tương tự khi mà chỉ dựa vào những bằng chứng mơ hồ như thấy xuất hiện nhiều xe biển số Nga ở bên ngoài một bệnh viện vùng này hay ông Putin có bạn là bác sĩ làm ở đây.

Nói về tin đồn này, phát ngôn viên của Tổng thống, ông Dmitry Peskov thậm chí còn châm biếm: “Tôi dự định sẽ yêu cầu những người có tiền tổ chức một cuộc thi xem tờ báo nào đưa tin vịt giỏi nhất”.

Về giả thuyết xảy ra đảo chính ở Nga, mặc dù ít phổ biến nhất nhưng cũng chứng tỏ được phần nào trí tưởng tượng “phong phú”, “phi thường” của truyền thông phương Tây. Theo Forbes, cả Tham mưu trưởng Sergei Ivanov và Tổng thống Chechnya, Ramzan Kadyrov, có thể đang nắm quyền trên thực tế vào thời điểm này. Trong khi đó, truyền hình Nga hôm 13/3 đã phát sóng cảnh quay về Tổng thống Putin và cho rằng ông đang làm việc tại nhà riêng ở ngoại ô Moskva.

Thế mới biết, với truyền thông phương Tây “không gì là không thể nghĩ ra”!

Theo Phương Linh (tổng hợp)
PetroTimes