1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống lâm thời Mali bị ám sát hụt

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống lâm thời quốc gia châu Phi Mali Assimi Goïta cho biết, ông trở thành mục tiêu của một âm mưu ám sát bất thành, khi 2 nghi phạm cầm dao lao về phía ông.

Tổng thống lâm thời Mali bị ám sát hụt - 1

Tổng thống lâm thời Mali Assimi Goïta (Ảnh: Getty).

AFP đưa tin, ông Goita thông báo trên sóng truyền hình quốc gia nước này rằng ông "rất khỏe mạnh" sau khi đối mặt với âm mưu ám sát ở thủ đô Bamako ngày 20/7.

"Đó là một phần của việc làm lãnh đạo, sẽ luôn luôn có những ý kiến đối lập. Có những người có thể muốn gây ra tình trạng bất ổn", ông Goita phát biểu trên kênh ORTM.

Một nhà báo của AFP chứng kiến vụ tấn công cho biết, các nghi phạm đã lao về phía ông Goita nhưng bị đội ngũ an ninh ngăn chặn kịp thời. Máu đã đổ ở hiện trường, dù hiện không rõ có ai bị thương hay không.

Đại diện tại văn phòng tổng thống cho hay ông Goita vẫn an toàn sau âm mưu tấn công. Lực lượng an ninh đã bắt một nghi phạm và cuộc điều tra đang được tiến hành. Ông Goita đã sơ tán tới căn cứ quân sự ở Kati, nằm tại ngoại ô thủ đô.

Vụ ám sát xảy ra khi ông Goita đang dự lễ cầu nguyện Eid của người Hồi giáo tại một thánh đường ở Bamako.

Bộ trưởng Các vấn đề tôn giáo Mamadou Kone, người có mặt tại hiện trường, nói với AFP rằng một người đàn ông đã "cố gắng tấn công tổng thống bằng dao" nhưng đã bị bắt giữ.

Người quản lý thánh đường, ông Latus Toure, nói nghi phạm đã xông về phía ông Goita nhưng làm bị thương một người khác.

Vụ tấn công diễn ra sau nhiều tháng Mali đối mặt với bất ổn chính trị. Chỉ trong một năm, ông Goita đã lãnh đạo 2 cuộc đảo chính.

Tháng 8 năm ngoái, ông đã lật đổ cựu Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita khi làn sóng biểu tình chống tham nhũng lên cao. Khoảng 9 tháng sau, ông Goike tiếp tục đảo chính lần 2, lật đổ Tổng thống Bah Naw. Ông sau đó trở thành Tổng thống lâm thời của Mali và cam kết sẽ sớm tổ chức bầu cử vào năm 2022.

Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã đình chỉ tư cách thành viên Mali và kêu gọi nước này đưa một thủ tướng dân sự lên nắm quyền.

Pháp, nước có hàng nghìn quân đồn trú ở Mali, cũng tuyên bố dừng hợp tác quân sự với quốc gia châu Phi vốn đang bị tàn phá bởi cuộc nổi loạn của các nhóm chiến binh thánh chiến.