1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Hollande xác nhận 2 công dân Pháp trong video hành quyết của IS

(Dân trí) - Tổng thống Pháp Francis Hollange ngày 19/11 đã xác nhận rằng 2 công dân nước này đã được xác định là nghi phạm trong đoạn video hành quyết nhân viên cứu trợ Mỹ và các binh sĩ Syria của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) mới đây.

Tổng thống Pháp và Thủ tướng Úc Francis Hollange trong cuộc gặp tại Canberra ngày 19/11.
Tổng thống Pháp và Thủ tướng Úc Francis Hollange trong cuộc gặp tại Canberra ngày 19/11.
 
“Tất cả những gì chúng tôi có thể nói lúc này là có 2 công dân Pháp”, ông Hollande cho biết tại một cuộc họp báo ở Canberra hôm nay cùng Thủ tướng Úc Tony Abbott.

Hai nam công dân Pháp đã được nhìn trong đoạn video do IS công bố hôm 16/11, vốn quay cảnh sát hại 18 tù nhân Syria và nhân viên cứu trợ Mỹ Peter Kassig.

“Một người đã được xác định danh tính và người còn lại đang trong quá trình được nhận dạng”, nhà lãnh đạo Pháp cho biết.

Theo thông tin mới nhất, công dân Pháp thứ 2 xuất hiện trong video của IS đã được xác định là Abu Othman, xuất thân từ Val-de-Marne, một khu vực ngoại ô của Paris.

Các công tố viên đã xác nhận rằng nghi phạm đầu tiên là Maxime Hauchard, 22 tuổi, đến từ Normandy ở phía bắc nước Pháp, nhưng danh tính người mà họ nói có thể là công dân Pháp thứ 2 chưa được công bố.

Tổng thống Hollande cho hay chưa rõ chính xác vai trò của các công dân Pháp trong các vụ hành quyết và rằng “hệ thống pháp luật sẽ phải xác định điều này”.

Bộ trưởng nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết tại Paris rằng Hauchard đến Syria “hồi tháng 8/2013 sau một thời gian sống tại Mauritania vào năm 2012” sau khi tư tưởng trở nên cực đoan.

Khoảng 1.000 công dân Pháp được tin là đã tham gia cuộc xung đột tại Syria và Iraq, với khoảng 375 người hiện đang có mặt tại đó, chính phủ Pháp cho biết. Ít nhất 36 người đã chết.

Ông Hollande, Tổng thống Pháp đầu tiên có chuyến thăm cấp nhà nước tới Úc, cho hay vấn đề các tay súng nước ngoài và cách thức họ bị “tẩy não” là một mối lo ngại lớn.

Giống Mỹ, Anh và các quốc gia khác, giới chức tại Pháp ngày càng lo ngại về số lượng các công dân tới chiến đấu tại Iraq và Syria, vốn có thể trở về nước và tiến hành các vụ tấn công ngay tại đất nước mình.

Hồi đầu tháng này, Paris đã thông qua một luật chống khủng bố mới, vốn sẽ áp đặt lệnh cấm đi lại đối với bất kỳ ai bị tình nghi lên kế hoạch tham gia thánh chiến.

Úc cũng đối mặt với một viễn cảnh tương tự Pháp, khi ít nhất 71 người Úc được cho là hiện đang chiến đấu tại Iraq hoặc Syria, với 15 người đã thiệt mạng, 2 trong só đó là những kẻ đánh bom liều chết.

An Bình
Theo AFP