1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Donald Trump bắt đầu khai tử F-35?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã ra lệnh xem xét lại chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Lockheed Martin sản xuất

Theo hãng tin Pháp, ngày 27/1, Lầu Năm Góc cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã ra lệnh xem xét lại chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Lockheed Martin sản xuất, sau khi Tổng thống Donald Trump chỉ trích gay gắt chương trình trị giá 400 tỷ USD này.

Bên cạnh đó, ông Mattis đã ra một chỉ thị tương tự xem xét lại khoản chi phí 4 tỷ USD nhằm phát triển chuyên cơ mới cho Tổng thống.

Ông cũng cho hay Thứ trưởng Quốc phòng sẽ giám sát quá trình này, nhằm tìm cách "cắt giảm đáng kể chi phí" trong khi vẫn đảm bảo các máy bay F-35 mới, tiêu tốn 100 triệu USD mỗi chiếc, đáp ứng các nhu cầu quốc phòng của Mỹ.

Ngoài ra, ông Mattis lưu ý công tác xem xét lại này sẽ so sánh F-35 với chiến đấu cơ F-18 Super Hornet do Boeing chế tạo để xem máy bay F-18 - với chi phí ít hơn đáng kể, có đáp ứng được nhu cầu của Mỹ hay không.

Ngoài F-35 Mỹ không còn gì để đấu với Nga?

Trước đó, hôm 6/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố muốn cắt giảm chi phí dành cho chương trình "máy bay vàng" F-35 của công ty Lockheed Martin. Theo ông nếu thực hiện điều này có thể tiết kiệm được hơn 400 tỷ USD. Sau đó nguồn kinh phí này sẽ tiếp tục được cấp cho tập đoàn Boeing nhưng dùng để nâng cấp F-18 Super Hornet.

F-18 Super Hornet
F-18 Super Hornet

Tuy nhiên, điều này đã bị nhiều chuyên gia lên tiếng phản đối. Họ cho rằng, người Mỹ đều muốn tiết kiệm nhưng họ muốn quân đội của họ đủ sức mạnh bảo vệ họ và sẵn sàng đầu tư phát triển các thiết bị quân sự thế hệ mới thay vì nâng cấp các thiết bị cũ.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchelovskogo, ông Doug Berki trong bài viết của mình đã viết rằng: "Tổng thống mới đắc cử muốn tiết kiệm tiền cho ngân sách nhưng sự tiết kiệm này có thể trả giá bằng sự sống của các quân nhân và hơn nữa sẽ làm cho quân đội Mỹ ngày càng đi xuống".

Theo ông Berki, khả năng của Mỹ trong việc kiểm soát bầu trời trong những năm gần đây đang ngày càng đi xuống, các máy bay được trang bị đều được nghiên cứu phát triển từ những năm 1960-1970. Vì vậy cải tiến chúng là cần thiết tuy nhiên khó có thể biến chúng thành những F-35 hiện đại.

Ông Berki nhắc nhở Trump rằng, hiện nay một số quốc gia đã phát triển các hệ thống phòng không hiện đại, hệ thống tên lửa tiên tiến và các hệ thống điều khiển hoả lực mạnh mẽ nên Super Hornet sẽ dễ dàng bị tiêu diệt.

Hiện nay Nga và Trung Quốc là một trong những đối thủ của Mỹ. Và họ lần lượt cho ra đời các máy bay thế hệ mới trong khi chính sách của ông Trump sẽ giết chết những chương trình mới của mình. Và nếu không muốn mất vị trí của mình Hoa Kỳ cần tập trung phát triển và hoàn thiện F-35.

Chiến đấu cơ vô dụng nhất

Trong khi đó, chuyên gia Mike Fredenburg của tạp chí Mỹ The National Review ngày 8/1 đã kêu gọi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cần kết thúc trong thời gian sớm nhất chương trình phát triển siêu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35 "đầy vô vọng".

Chương trình chế tạo F-35 đã tiêu tốn khoảng 1,5 nghìn tỷ USD (kể cả lạm phát), để trở thành chương trình sản xuất vũ khí đắt đỏ nhất trên toàn thế giới, trong mọi thời kỳ, nhưng lại được kèm theo danh xưng là "chiến đấu cơ vô dụng nhất".

"Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật là do những sai lầm chết người trong khâu thiết kế máy bay 20 năm trước, F-35 không thể khắc phục được vấn đề chất tải và quá nóng. Như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có được mẫu máy bay chắc chắn mà chi phí thấp" - chuyên gia Fredenburg nhấn mạnh.

Máy bay chiến đấu F-35 của Không quân Mỹ
Máy bay chiến đấu F-35 của Không quân Mỹ

Trừ các chuyên gia của Lockheed Martin, đa số các chuyên gia Mỹ nhận định rằng, chương trình chế tạo chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm F-35 là thất bại lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp hàng không Mỹ, không chỉ về kinh phía đầu tư mà còn cả về chất lượng máy bay.

Các lỗi kỹ thuật của F-35 xuất hiện thường xuyên, không thể đếm xuể, từ các vấn đề liên quan đến kết cấu khung thân và các bộ phận máy bay cho đến các phần mềm điều khiển, hay các thiết bị điện tử, dẫn đường hoặc các hệ thống bảo vệ, bảo đảm.

Sự cố kỹ thuật xuất hiện trên tất cả các phiên bản gồm loại cất cánh trên đường băng mặt đất như F-35A (của không quân), hay phiên bản cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như F-35B (tàu đổ bộ của hải quân đánh bộ) hay phiên bản trên tàu sân bay F-35C (không quân hải quân).

Trục trặc xuất hiện phổ biến đến nỗi, nói đến F-35 là đương nhiên sẽ có sự cố, các bài viết về F-35 thường phải kèm theo những từ khóa như: "Đình chỉ bay", "ngừng bay" hay "lại gặp sự cố", "vô số lỗi", "liên tiếp trục trặc" hoặc "khắc phục", "sửa chữa", "tìm giải pháp".

Do sự tốn kém về ngân sách phát triển và chất lượng không tương xứng với kinh phí, F-35 cũng được đặt rất nhiều biệt danh không lấy gì làm hay ho như: "Tiêm kích béo tròn", "lợn béo" hay "chiến đấu cơ bạc tỷ" hoặc "máy bay đắt đỏ nhất thế giới" hoặc "cậu bé vàng".

Một số chuyên gia Mỹ còn đánh giá F-35 không chỉ kém xa F-22 của Mỹ và chiến đấu cơ tàng hình PAK FA Sukhoi T-50 của Nga mà còn kém cả cả các chiến đấu cơ thế hệ cũ của Mỹ là F-16 và Su-35 của Nga, đồng thời nhiều người kêu gọi hủy dự án F-35, tái khôi phục dây chuyền sản xuất F-22.

Tiếp tục đổ tiền vào F-35 hay dứt khoát "khai tử" loại chiến đấu cơ được coi là "máy bay đắt đỏ nhất thế giới" nhưng đồng thời cũng "vô dụng nhất", bản thân Tổng thống Donald Trump là một nhà kinh doanh, chắc hẳn ông đã có lựa chọn riêng của mình.

Theo Huy Hùng

Đất Việt