1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Biden: "Tôi không phải bạn cũ của ông Tập Cận Bình"

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga.

Tổng thống Biden: Tôi không phải bạn cũ của ông Tập Cận Bình - 1

Tổng thống Joe Biden họp báo sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga tại Thụy Sĩ ngày 16/6 (Ảnh: Reuters).

Tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 16/6, Peter Doocy - phóng viên Nhà Trắng của hãng tin Fox News đã hỏi nhà lãnh đạo Mỹ rằng liệu ông có gây sức ép với Trung Quốc sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin không. Ông Biden thường xuyên nhắc tới mối quan hệ lâu dài của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.

"Ông từng nhiều lần nói rằng có lẽ ông đã dành nhiều thời gian với Chủ tịch Tập Cận Bình hơn bất kỳ lãnh đạo thế giới nào khác. Liệu sẽ có lúc ông gọi cho ông ấy, với tư cách là hai người bạn cũ, và yêu cầu ông ấy cho phép các nhà điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới Trung Quốc để tìm hiểu gốc rễ của Covid-19 không?", Doocy đặt câu hỏi.

"Tôi muốn nói thẳng về vấn đề này: chúng tôi hiểu rõ về nhau, nhưng chúng tôi không phải là bạn cũ. Đó chỉ là mối quan hệ công việc thuần túy", ông Biden trả lời.

Ông Biden đã gặp ông Tập nhiều lần khi ông còn là Phó Tổng thống dưới thời Obama. Ông Biden cũng nhiều lần nói rằng ông đã "đi 17.000 dặm" cùng ông Tập và phát triển mối quan hệ với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Tháng 12/2013, ông Tập gọi ông Biden là "bạn cũ" trong một sự kiện mà ông Biden tham dự ở Bắc Kinh. Ông Biden cũng đề cập đến "tình bạn" với ông Tập trong sự kiện này.

Các nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Biden gây sức ép với Trung Quốc trong việc xử lý đại dịch Covid-19, trong bối cảnh họ đang kêu gọi điều tra thêm về giả thuyết virus gây đại dịch có thể rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Tháng trước, Tổng thống Biden thông báo các quan chức tình báo đang xem xét các giả thuyết cho rằng đại dịch bắt nguồn từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm hoặc do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, nhưng vẫn chưa đưa ra kết luận chính xác. Ông đã chỉ đạo cộng đồng tình báo Mỹ tiến hành điều tra thêm và báo cáo những phát hiện liên quan tới nguồn gốc dịch bệnh trong vòng 90 ngày.

Phóng viên Doocy hỏi ông Biden rằng, điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh tiếp tục chống lại những lời kêu gọi quốc tế về việc cho phép một cuộc điều tra minh bạch về nguồn gốc đại dịch bên trong lãnh thổ Trung Quốc.

"Trung Quốc đang cố gắng rất nhiều để tự thể hiện mình là một quốc gia có trách nhiệm và rất cởi mở. Họ rất cố gắng để nói về cách họ đang giúp thế giới chống Covid-19 và cung cấp vắc xin. Tuy nhiên có một số điều bạn không cần phải giải thích với người dân toàn thế giới. Họ sẽ nhìn vào kết quả. Liệu Trung Quốc có thực sự đang cố gắng đi đến tận cùng của vấn đề này không?", ông Biden nói.

Trước cuộc gặp với Tổng thống Putin, Tổng thống Biden đã dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh. Tuyên bố chung của G7 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy) nêu chi tiết các kế hoạch đối phó với đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu, bao gồm một cuộc điều tra về nguồn gốc virus ở Trung Quốc.

Nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu hồi tháng 2 đã tới thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, nơi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên, để điều tra nguồn gốc Covid-19. Báo cáo điều tra sau đó đưa ra 4 giả thuyết, trong đó giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm được cho là cực kỳ khó xảy ra.

Nhiều nước, dẫn đầu là Mỹ, cho rằng kết luận này chưa thỏa đáng và bị hạn chế bởi sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh, do vậy đề nghị mở rộng điều tra nguồn gốc đại dịch ở Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn nữa. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành trách nhiệm và giai đoạn tiếp theo sẽ là điều tra ở các nơi khác trên thế giới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm