1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Belarus tự chẻ củi, muốn chia lửa với châu Âu

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tự tay chẻ củi và hứa chia sẻ với người dân châu Âu để họ vượt qua mùa đông lạnh giá, trong bối cảnh Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Tổng thống Belarus tự chẻ củi, muốn chia lửa với châu Âu - 1

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko chẻ củi cùng một doanh nhân (Ảnh chụp màn hình).

Hãng tin TASS của Nga cho biết, truyền thông Belarus ngày 14/9 đăng tải một đoạn video cho thấy Tổng thống Alexander Lukashenko cầm rìu chẻ củi ở sân ngôi nhà nghỉ dưỡng của ông tại một vùng quê cùng với doanh nhân Sergey Teterin.

Trong video, Tổng thống Lukashenko nói: "Lại đây nào anh bạn! Hãy giúp châu Âu không bị chết rét. Hãy giúp những người anh em của chúng ta. Biết đâu, một ngày nào đó, họ cũng sẽ chìa tay giúp chúng ta".

Tổng thống Belarus chẻ củi để giúp châu Âu không "chết rét"

Theo nhà lãnh đạo Belarus, hiện giờ châu Âu không có quyền lựa chọn loại gỗ nào tốt hơn. "Tất cả những gì họ thực sự cần là thứ giúp sưởi ấm", ông Lukashenko cho biết.

Ông cũng nói rằng, ông muốn chia sẻ gỗ cho người dân châu Âu đầu tiên và trên hết. "Chúng ta nên suy nghĩ làm thế nào để hỗ trợ củi cho các hộ nông thôn, tầng lớp lao động ở đó, chứ không phải các ông trùm kinh doanh", Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh.

Đoạn video được đăng tải trong bối cảnh các nước châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng giá điện và khí đốt tăng cao do Nga cắt hoặc hạn chế nguồn cung. Mối quan hệ giữa Belarus - một đồng minh của Nga - cũng leo thang căng thẳng do cuộc xung đột ở Ukraine.

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ngày 2/9 thông báo đóng đường ống khí đốt Nord Stream 1 vô thời hạn do sự cố rò dầu tuabin. Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1 đã giảm còn 40% công suất trong tháng 6 và chỉ hoạt động với 20% công suất trong tháng 7 vì lý do kỹ thuật. Trước đó, Nga đã cắt cung khí đốt đến một số quốc gia châu Âu như Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan và Ba Lan vì những nước này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp.

Nga vốn là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho châu Âu, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của khu vực. Động thái trên của Moscow khiến phương Tây đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có khi mùa đông sắp đến.

Theo TASS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm