Nga đóng cửa bảo trì đường ống, giá khí đốt ở châu Âu lại tăng vọt

Cẩm Hà

(Dân trí) - Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu tăng vào ngày 22/8 sau khi tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga cho biết họ sẽ đóng cửa đường ống Nord Stream 1 trong 3 ngày kể từ cuối tháng 8.

Nord Stream 1 là đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Việc bảo trì đột xuất hoạt động của đường ống được cho sẽ làm trầm trọng thêm tranh chấp khí đốt giữa Nga và Liên minh châu Âu, đồng thời gia tăng nguy cơ suy thoái và thiếu hụt khí đốt trong mùa đông.

Nga đóng cửa bảo trì đường ống, giá khí đốt ở châu Âu lại tăng vọt - 1

Dòng chảy qua đường ống Nord Stream 1 hiện chỉ cung cấp 20% khối lượng đã thỏa thuận (Ảnh: AP).

Đầu tháng, giá khí đốt giao dịch trên sàn Dutch TTF (Hà Lan) - một sàn tiêu chuẩn cho hoạt động kinh doanh khí đốt tự nhiên tại châu Âu, tăng 19% lên 291,5 euro (tương đương 291,9 USD)/MWh. Kết thúc phiên tuần trước, giá khí đốt đạt mức cao kỷ lục là 244,55 EUR/MWh. Đây là mức tăng thứ 5 liên tiếp trong tuần.

Ngày 19/8, Gazprom cho biết rằng việc tạm ngừng hoạt động Nord Stream 1 là do máy nén duy nhất còn lại của đường ống cần được bảo dưỡng. Dòng khí qua đường ống sẽ tạm ngưng trong 3 ngày, từ 31/8 đến 2/9.

"Gã khổng lồ" năng lượng của Nga nói thêm, Nord Stream 1 sẽ cung ứng 33 triệu m3/ngày sau khi công việc bảo trì hoàn thành, "với điều kiện là không có trục trặc nào xảy ra".

Thông báo về việc tạm ngừng cấp khí đốt của Gazprom được đưa ra trong bối cảnh chính phủ các nước châu Âu đang chật vật để lấp đầy các kho lưu trữ khí đốt dưới lòng đất nhằm có đủ nhiên liệu để sưởi ấm người dân trong những tháng tới.

Nga cắt giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong những tuần gần đây. Hiện dòng chảy qua đường ống Nord Stream 1 chỉ đạt khoảng 20% khối lượng đã thỏa thuận.

Trước đó, Moscow tuyên bố nguyên nhân dẫn đến việc nguồn cung khí đốt giảm mạnh là lỗi máy móc và tiến độ sửa chữa bị chậm trễ.

Tuy nhiên, Đức coi hành động cắt giảm nguồn cung là một động thái chính trị nhằm gieo rắc sự bất ổn trong toàn khối và tăng giá năng lượng trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Hai rủi ro nghiêm trọng

Hơn một nửa lượng khí đốt của Đức được nhập từ Nga. Chính phủ của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang nỗ lực tăng cường nguồn cung cấp khí đốt cho mùa đông trong bối cảnh gia tăng lo ngại rằng Moscow có khả năng khóa van hoàn toàn đường ống trong thời gian tới.

Thêm vào đó, cuộc đua nhập khẩu khí đốt của châu Âu diễn ra vào thời điểm giá cả tăng chóng mặt. Chi phí năng lượng tăng cao làm tăng các hóa đơn chi tiêu của người dân, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo ông Holger Schmieding, kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg, thông báo mới nhất của Gazprom là một nỗ lực rõ ràng nhằm khai thác sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga.

Schmieding cho biết: "Việc đóng cửa đường ống trong thời gian ngắn sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn, đặc biệt là khi Nga đã giảm xuất khẩu khí đốt thông qua Nord Stream 1  xuống còn 20% công suất kể từ ngày 27/7".

Ông cũng nêu ra 2 rủi ro nghiêm trọng mà động thái này có thể gây ra. "Thứ nhất, Nga có thể tuyên bố sai lệch rằng họ không thể mở lại đường ống do "vấn đề kỹ thuật" chỉ có thể được giải quyết nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ. Thứ hai, Nga cũng có thể đóng cửa các đường ống dẫn khác đến châu Âu", Schmieding phân tích.

Schmieding cho biết giá khí đốt cao hơn do nguồn cung khan hiếm hơn sẽ "làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái tồi tệ mà châu Âu đang gặp phải". Ông cũng cảnh báo rằng việc Nga cắt giảm dòng chảy sẽ gia tăng khả năng Đức thiếu hụt nhiên liệu trong mùa đông.

Theo CNBC