1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tối nay, Trung Quốc phóng phi thuyền vào không gian

(Dân trí) - Trung Quốc hôm nay sẽ phóng một tàu phòng thí nghiệm không gian đầu tiên để chuẩn bị cho việc xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình.

 
Tối nay, Trung Quốc phóng phi thuyền vào không gian - 1
Phi thuyền Thiên Cung-1 sẽ được phóng lên vào tối nay.

Mô-đun hình trụ dài 10,5m, tên gọi Thiên Cung-1, sẽ không có người ở vào thời điểm hiện tại, nhưng các phi hành gia của Trung Quốc dự kiến sẽ tới thăm nó vào năm tới.

Thiên Cung-1 sẽ tìm kiếm các công nghệ quan trọng mà Trung Quốc cần nhằm xây dựng một trạm vũ trụ hoàn chỉnh - điều mà Bắc Kinh cam kết sẽ thực hiện vào cuối thập niên này.

Phòng thí nghiệm không gian dự kiến sẽ được đưa vào quỹ đạo trên một tên lửa đẩy Trường Chinh 2F.

Báo chí Trung Quốc đưa tin, vụ phóng dự kiến diễn ra tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 21h16-21h31 ngày 29/9 giờ địa phương.

Tên lửa Trường Chinh sẽ đưa Thiên Cung lên một đường gần tròn quanh trái đất, cách bề mặt trái đất vài trăm km.

Nó sẽ hoạt động theo dạng “tự trị”, với sự giám sát từ mặt đất. Sau đó, Trung Quốc sẽ phóng một tàu không người lái khác, Thần Châu 8, và cố gắng nối 2 tàu này lại với nhau.

Khả năng nối ghép này là điều kiện tiên quyết để các cấu trúc lớn hơn được lắp ráp trong quỹ đạo.
 
Tối nay, Trung Quốc phóng phi thuyền vào không gian - 2
Đồ hoạ mô phỏng các tàu vũ trụ Thần Châu-8, Thiên Cung-1 và Trạm vũ trụ tương lai của Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho hay công nghệ của Nga, hoặc một bản sao y hệt, sẽ được sử dụng để nối ghép 2 tàu lại với nhau.

Nếu “liên minh” trên hoạt động tốt, 2 tàu vũ trụ có người lái (Thần châu 9 và 10) sẽ được phóng lên vào năm 2012. Các phi hành gia - từ 2 đến 3 người mỗi lần - dự kiến sẽ sống trên các tàu vũ trụ được nối ghép trong khoảng thời gian tới 2 tuần.

Thiên Cung có nghĩa là “cung điện thiên thường” trong tiếng Trung. Chương trình là giai đoạn 2 của một dự án vũ trụ mà giới chức Bắc Kinh miêu tả là chiến lược 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 là phát triển hệ thống tàu Thần Châu, loại tàu vũ trụ đã đưa 6 nhà du hành Trung Quốc lên quỹ đạo kể từ năm 2003 cho tới nay; sau đó là các công nghệ cần thiết phục vụ việc đi bộ và nối ghép; và cuối cùng là xây dựng một trạm vũ trụ riêng.
 
Tối nay, Trung Quốc phóng phi thuyền vào không gian - 3
Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) do Mỹ, Nga, châu Âu, Canada và Nhật Bản xây dựng.

Nặng khoảng 60 tấn, trạm vũ trụ tương lai của Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với Trạm vũ trụ quốc tế ISS nặng 400 tấn do Mỹ, Nga, châu Âu, Canada và Nhật Bản đang vận hành. Nhưng sự xuất hiện của nó trên bầu trời giúp chứng tỏ thành tựu vượt bậc của Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ.

Các bản vẽ mô phỏng mô-đun chính hạt nhân nặng khoảng từ 20-22 tấn, với 2 bên sườn là 2 tàu vũ trụ nhẹ hơn chút ít.

Các quan chức cho hay tàu vũ trụ sẽ được tiếp tế bởi các tàu vận tải theo cách y hệt các tàu vận tải robot đã và đang tiếp tế nhiên liệu, lương thực, nước, không khí và các phụ tùng thay thế lên ISS ngày nay.

An Bình
Tổng hợp