1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ trong “canh bạc” quân sự ở Syria

(Dân trí) - Động thái quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng do đồng minh thuộc khối NATO Mỹ “chống lưng” ở Syria có thể coi là “canh bạc” của Ankara. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có những toan tính riêng trong quyết định của họ.

Ngày 21/1 vừa qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tràn qua biên giới Syria, tiến vào khu vực Afrin do nhóm dân quân các đơn vị bảo vệ người Kurd (YPG) kiểm soát. Ankara cho biết họ tấn công là để tiêu diệt quân khủng bố, thành lập vùng an toàn dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và điều này được thực hiện theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, dư luận khu vực và thế giới đang lo ngại về sự tác động xấu đến tiến trình đàm phán hòa bình ở Syria.

Lợi ích địa - chiến lược

Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện không kích lực lượng YPG ở Syria ngày 20/1. (Ảnh: AFP)
Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện không kích lực lượng YPG ở Syria ngày 20/1. (Ảnh: AFP)

Theo giới quan sát, với việc Ankara thay đổi quan điểm về cuộc chiến ở Syria, đồng thuận với Nga, tham gia liên minh (Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ) trong năm vừa qua đã góp phần tích cực vào thắng lợi của các lực lượng chống IS trong khu vực, nhất là ở vùng biên giới Syria. Tuy nhiên, nước này không thể không quan tâm đến lợi ích địa - chiến lược của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi YPG là một tổ chức khủng bố vì Ankara cho rằng YPG có quan hệ với các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động tại nước này. Trái với quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh NATO Mỹ lại coi YPG là lực lượng đối lập “ôn hòa” ở Syria và có vai trò trong việc tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, Ankara có kế hoạch thiết lập “một khu vực an toàn” chạy sâu khoảng 30km bên trong lãnh thổ Syria. Đây là lần đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ công khai thừa nhận lực lượng bộ binh nước này tham gia chiến dịch tấn công bên trong lãnh thổ Syria.

Trong ngày đầu tiên (20/1) của chiến dịch mang tên “Cành Ô liu” nhằm đánh bật lực lượng YPG khỏi Afrin, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn trúng 153 mục tiêu, trong đó có các khu vực trú ẩn của các tay súng người Kurd, và tính đến ngày 27/1 đã có 86 người chết và 200 người khác bị thương. Chiến dịch này được phát động ngay sau khi Mỹ thông báo kế hoạch thiết lập Lực lượng An ninh biên giới (BSF) dọc biên giới 900km phía Bắc Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Ankara bất bình.

Theo giới quan sát, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng vấp phải sự chống trả quyết liệt của hàng ngàn tay súng người Kurd ở Azaz và hàng trăm tay súng khác ở Atmeh, phía Nam Afrin. YPG tố cáo quân Thổ Nhĩ Kỳ không kích vào thường dân và một trại dành cho người khuyết tật ở Afrin. Ngày 22/1, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, cuộc đối thoại đa phương sắp tới về tình hình Syria diễn ra ở Sochi (Nga) vào 30/1 sẽ không có sự góp mặt của lực lượng người Kurd.

Xung đột lợi ích

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Afrin. (Ảnh: CTN)
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Afrin. (Ảnh: CTN)

Theo giới phân tích, chiến dịch tấn công mới này của Thổ Nhĩ Kỳ giống như "canh bạc" vì nó có thể sẽ khiến quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Ankara và Washington tiếp tục leo thang, đồng thời làm gia tăng quan ngại về bất ổn tại Syria sau 7 năm xung đột.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 21/1 cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công người Kurd ở khu vực Afrin, là một phần hành động của Ankara nhằm hỗ trợ các nhóm cực đoan, khủng bố. Bộ Ngoại giao Syria còn bác bỏ tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ rằng Ankara đã thông báo cho Damascus về chiến dịch tấn công Afrin, đồng thời coi chiến dịch này là động thái mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc tấn công chủ quyền của Syria.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ mong muốn sớm kết thúc chiến dịch tấn công và khẳng định chiến dịch này sẽ kết thúc trong thời gian ngắn. Ông Erdogan cũng cảnh báo những người phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria rằng sẽ “phải trả giá đắt”. Ông nhấn mạnh các lực lượng an ninh sẽ can thiệp nếu lực lượng ủng hộ phe đối lập thân người Kurd có động thái chống đối. Còn ông Binali Yildirim cho biết Ankara vẫn đang duy trì liên lạc với Damascus về chiến dịch của các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin.

Đài NTV dẫn phát biểu của ông Yildirim nêu rõ nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA) - đồng minh của Ankara, cùng với các đơn vị của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào Afrin. Theo ước tính của Thổ Nhĩ Kỳ thì các phần tử khủng bố ở Afrin có quân số khoảng từ 6.000 đến 10.000 người.

Ngày 22/1, Tổng thống Erdogan còn chia sẻ rằngThổ Nhĩ Kỳ sẽ kiểm soát Afrin giống như điều nước này đạt được ở các thành phố Jarablus, al-Rai và al-Bab của Syria để người Syria có thể trở về nhà.

Ngày 27/1, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã yêu cầu Mỹ rút quân khỏi thị trấn Manbij, miền Bắc Syria, đồng thời ngừng hỗ trợ lực lượng người Kurd trong khu vực. Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh Mỹ cần phải “ngay lập tức rút khỏi Manbij”, nơi có sự hiện diện quân sự của Washington. Ông cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ muốn nhìn thấy những bước đi cụ thể từ phía Mỹ đối với việc ngừng cung cấp hỗ trợ cho các đơn vị YPG tại Syria.

Dư luận quốc tế nói gì?

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn gần biên giới Syria. (Ảnh: Reuters)
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn gần biên giới Syria. (Ảnh: Reuters)

Năm 2017 với sự nỗ lực của Syria, sự hỗ trợ có hiệu quả của Nga và các bên liên quan IS đã bị đánh bại, Syria đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ nước này, tạo cơ sở vững chắc cho một nền hòa bình. Tuy nhiên, vì lợi ích địa-chiến lược mà các nước lớn, nhất là các cường quốc khu vực lại theo đuổi những mục tiêu riêng. Động thái quân sự mới nhất của Ankara cũng nằm trong bối cảnh đó, khiến giới quan sát sức lo ngại về kịch bản leo thang xung đột mới tại Syria trong năm 2018.

Lãnh đạo các nước Syria, Iran, Ai Cập, Pháp… đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd ở khu vực Afrin. Bộ Ngoại giao Iran bày tỏ quan ngại về những gì đang diễn ra tại Afrin, đồng thời yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt ngay hành động này. Tehran tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Ai Cập cũng lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Syria.

Pháp đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn để đánh giá toàn bộ nguy cơ khủng hoảng nhân đạo trong bối cảnh giao tranh gia tăng ở Syria. Ngoại trưởng Pháp, ông Jean-Yves Le Drian cho biết, hàng chục nghìn người Syria bị mắc kẹt tại các khu vực do phiến quân kiểm soát bên ngoài Damascus, Đông Ghouta, trong khi hàng chục nghìn người khác buộc phải đi sơ tán do giao tranh ở tỉnh Idlib (Tây Bắc Syria).

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly còn nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ cần ngừng giao tranh với các tay súng người Kurd ở Syria. Phát biểu trên đài truyền hình France 3, bà Parly cho rằng, chiến dịch “Cành Ô liu” của Ankara có thể ngăn cản lực lượng người Kurd đang đứng về phía liên minh quân sự quốc tế chiến đấu chống các phần tử cực đoan tại Syria.

Ngày 23/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng, hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin của Syria đang giúp IS hồi sinh. Ông nói: “Chiến dịch "Cành Ô liu" của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin của Syria có thể sẽ bị IS và al-Qaeda lợi dụng để phát triển trở lại”. Tuy nhiên, ngày 25/1, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố, đang giám sát chặt chẽ việc cung cấp vũ khí cho YPG và sẽ tiếp tục thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara hối thúc Washington ngừng cung cấp vũ khí cho lực lượng mà quốc gia này liệt vào danh sách khủng bố.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng lên tiếng chỉ trích hành động cung cấp các loại vũ khí quân sự hiện đại của Mỹ cho các lực lượng đối lập Syria, trong đó có tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS), dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ phải tiến hành chiến dịch chống lại người Kurd tại khu vực Afrin của Syria. Giới phân tích nhận định, tình hình tại Syria có nguy cơ diễn biến phức tạp hơn sau chiến dịch “Cành Ô liu” và Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước áp lực từ các nước đang kêu gọi các nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị.

Nguyễn Nhâm