Lý do Thổ Nhĩ Kỳ chọn Afrin là mục tiêu tấn công tại Syria
Ngăn chặn sự xâm nhập của các lực lượng khủng bố, lo ngại tầm ảnh hưởng của người Kurd và những nhân tố chính trị nội bộ là nguyên nhân chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn Afrin-một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria làm mục tiêu tấn công.
Tầm quan trọng của Afrin
Afrin là một thị trấn nhỏ của tỉnh Aleppo thuộc miền Bắc Syria. Đây là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng do nằm tiếp giáp với biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, thị trấn Afrin là địa bàn hoạt động của lực lượng Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và Đảng liên minh dân chủ người Kurd (PYD), đồng thời là vùng đệm giữa PYD/YPG và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đặc biệt, vùng núi Amanos nằm giữa Afrin thuộc Syria và vùng Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra những tuyến đường an toàn cho Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các tổ chức khủng bố cực đoan vượt biên.
Địa hình vùng núi này là một thách thức đối với các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ trong việc truy tìm và phát hiện hoạt động thâm nhập. Trong nhiều trường hợp, các phần tử khủng bố được huấn luyện ở Afrin, vượt biên thành công, xâm nhập Thổ Nhĩ Kỳ và tiến hành các vụ tấn công dân thường.
Theo các lực lượng an ninh, ngoài PKK và lực lượng cực đoan đồng minh, các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng được PYD/YPG cho phép sử dụng tuyến đường này để vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự hiện diện của các tổ chức khủng bố ở Afrin có nghĩa là toàn bộ tỉnh Kilis miền nam của Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết các tỉnh phía Nam như Kilis và Hatay sẽ nằm trong phạm vi các tổ chức khủng bố.
Loại bỏ khủng bố khỏi Afrin đồng nghĩa với việc loại bỏ nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ bị chia cắt địa lý với thế giới Arab. Do vậy, việc quét sạch các phần tử khủng bố ở Afrin là mục tiêu được ưu tiên hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này cố gắng phòng vệ trước khủng bố.
Lo ngại tầm ảnh hưởng của người Kurd
Các chuyên gia phân tích cho rằng, một trong những lý do chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ chọn Afrin là mục tiêu tấn công là vì lo ngại tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các tay súng người Kurd ở Afrin trong bối cảnh Mỹ thông báo sẽ thành lập một “lực lượng an ninh biên phòng” hùng hậu gồm 30.000 thành viên là các tay súng người Kurd ở Syria trong đó có cả Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) vào ngày 14/1 vừa qua.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, chiến dịch ở Afrin là bước đi đầu tiên hướng tới chấm dứt việc kiểm soát lãnh thổ của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở miền Bắc Syria.
Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi YPG như một nhánh của PKK tại Syria và là một nhóm khủng bố, còn PKK vốn bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đặt ngoài vòng pháp luật.
Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và YPG đã được thành lập trong năm 2002, trở thành chi nhánh của PKK và cánh vũ trang của tổ chức này. Chính phủ Syria đã ngừng ủng hộ PYD và YPG sau những sức ép từ Ankara. Mặc dù PYD/YPG hiện tìm cách che giấu các mối quan hệ giữa họ với PKK, song giới chóp bu của PKK đã xác nhận rằng PYD/YPG quả thực là một "chân rết" của họ.
Nhân tố chính trị nội bộ
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ chọn Afrin còn xuất phát từ vấn đề chính trị nội bộ. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) duy nhất phải đối mặt với những nguy cơ đảo chính từ giới chức quân đội.
Đặc biệt, trong bối cảnh uy tín của Tổng thống Erdogan đang xuống thấp, việc tấn công quân sự vào Afrin là một trong những lá bài chính trị trọng yếu giúp ông Erdogan lấy lại uy tín trong dân chúng.
Để có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2019, ông Erdogan đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc phiêu lưu quân sự mà điểm đến có thể là hỏa ngục do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang bị suy yếu mạnh sau đợt thanh trừng hậu đảo chính trong khi đối phương, với 10.000 quân thiện chiến, có lợi thế địa hình.
Như vậy, đối với Ankara, chiến dịch “Nhành Ôliu” với trọng điểm là thị trấn Afrin và những chiến dịch sau này chống PYD/YPG được coi là những cuộc tấn công phủ đầu mang nhiều động cơ chính trị.
Theo Đức Thức
Tiền Phong