1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ khi sang thăm Iran

Sau khi Israel lên kế hoạch đến Nga thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng vội vã tìm cách đến Iran nhằm cải thiện mối quan hệ.

Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch thăm Iran

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vừa tuyên bố, Thủ tướng nước này Ahmet Davutoglu sẽ đến thăm Tehran, sau chuyến công du của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đến Ankara trong thời gian ngắn sắp tới.

Theo Ngoại trưởng Cavusoglu, Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực để cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có Iran.

Ông thừa nhận rằng mặc dù hai nước vẫn chưa tìm được điểm chung trong một số vấn đề khu vực, nhưng Ankara "vui mừng khi thấy các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Tehran được dỡ bỏ."

Đề cập tới việc Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, Ngoại trưởng Cavusoglu phát biểu rằng Ankara kêu gọi hai bên nhanh chóng đối thoại để nối lại quan hệ song phương.

Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch sang thăm Iran để cải thiện mối quan hệ
Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch sang thăm Iran để cải thiện mối quan hệ

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, thời gian diễn ra chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao hai nước vẫn đang được hai bên sắp xếp qua đường ngoại giao.

Tuyên bố sang thăm Tehran của chính quyền Erdogan được đưa ra không lâu sau khi Israel quyết định hủy chuyến thăm Australia để đến Nga, nhằm tìm tiếng nói chung liên quan đến các vấn đề tại Trung Đông.

Giới phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang lo sợ việc Tel Aviv và Moskva tiến thêm một bước trong các quan hệ hợp tác sau lần gặp gỡ này nên đang tìm cách để lôi kéo thêm các nước khác về phía mình.

Thổ Nhĩ Kỳ sợ hãi khi Israel tiếp xúc Nga?

Thổ Nhĩ Kỳ từng là đồng minh chủ chốt của Israel trong khu vực cho đến khi quan hệ rạn nứt sau vụ lính đặc công Israel tấn công tàu cứu trợ Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tới Gaza làm nhiều người thiệt mạng vào năm 2010.

Sự việc này buộc hai nước phải rút đại sứ về nước và Tổng thống Erdogan đã đưa ra 3 điều kiện đối với Israel để đổi lấy sự bình thường hóa quan hệ gồm: dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza, bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tàu Mavi Marmara và xin lỗi về vụ việc này.

Đến năm 2013, Israel đã đưa ra lời xin lỗi chính thức về vụ việc, đồng thời tuyên bố sẽ bồi thường cho các nạn nhân. Tuy nhiên, yêu cầu dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza vẫn tiếp tục là chủ đề tranh cãi.

Tới trung tuần tháng 12/2015, Tổng thống Erdogan đã đề cập việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và nhấn mạnh điều này sẽ đem lại lợi ích cho toàn khu vực Trung Đông. Tuy nhiên đến thời điểm này mối quan hệ giữa hai nước vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Trong bối cảnh những toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria bị nhiều nước chỉ trích, chính quyền Erdogan đang muốn nhân cơ hội này để tháo bỏ những bất đồng.

Khi Israel đã tìm đến với Nga, thì Ankara không còn lựa chọn nào khác là lấy lại niềm tin từ Tehran. Bởi lẽ trước đó, Iran đã nhiều lần lên tiếng tố cáo chính quyền Erdogan có liên hệ mật thiết với khủng bố IS thông qua hoạt động mua bán dầu lậu.

Trong lần trả lời phỏng vấn hãng thông tấn IRNA hôm 4/12, Thư ký hội đồng cố vấn Mohsen Rezaie từng khẳng định, chính phủ Iran đã có đủ bằng chứng gồm hình ảnh và các đoạn băng video quay cảnh những chuyến xe tải chở đầy các thùng dầu tiến vào biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyến thăm Iran lần này mang sứ mệnh như chuyến thăm trước của Tổng thống Erdogan đến Trung Quốc.
Chuyến thăm Iran lần này mang sứ mệnh như chuyến thăm trước của Tổng thống Erdogan đến Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng, giới chức Ankara cũng đang mong muốn lật ngược lại tình thế với Tehran sau một thời gian dài đóng băng giống như chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc hồi cuối tháng 7/2015 của Tổng thống Erdogan. Cuộc gặp gỡ giữa Bắc Kinh – Ankara lúc đó được đánh giá là thời điểm nhạy cảm khi 2 nước bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn.

Trước chuyến thăm, Trung Quốc đã cáo buộc phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, được thành lập bởi các nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ ở phía Tây Trung Quốc, đã cử các thành viên tới Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia lớp huấn luyện của các tổ chức cực đoan ỏ Syria và Iraq như nhóm IS để có thể quay lại Trung Quốc phát động "thánh chiến".

Ngoài ra, Trung Quốc cũng cáo buộc các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Nam Á đã tạo điều kiện để những người Duy Ngô Nhĩ tới nước này.

Cuộc gặp gỡ Ankara – Bắc Kinh đã mang đến cho chính quyền Erdogan nhiều lợi ích. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Bắc Kinh có vẻ như đã đề nghị Ankara ngưng hỗ trợ và bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc bằng tuyên bố có thể sẽ ủng hộ người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả. Ngoài ra, Trung Quốc cũng để ngỏ khả năng cử quan chức từ sứ quán nước này ở thủ đô Baghdad tới các khu vực của người Kurd tại Iraq là Sulaymaniyah và Erbil.

Giới phân tích khẳng định, chuyến thăm Iran lần này của thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng mang trọng trách tương tự lần đến với Trung Quốc.

Theo Trung Dũng (Tổng hợp)

Đất Việt