1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tòa quốc tế sẽ ra phán quyết vụ kiện Biển Đông vào ngày 12/7

(Dân trí) - Tòa trọng tài thường trực (PCA) ngày 29/6 cho biết sẽ chính thức đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách “đường lưỡi bò “ phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông vào ngày 12/7 tới.


(Ảnh minh họa: Reuters)

(Ảnh minh họa: Reuters)

Trong một động thái khá bất ngờ, PCA - tòa án trọng tài của Liên hợp quốc đặt tại La Hay (Hà Lan) - cho biết sẽ gửi nội dung phán quyết đến các nước liên quan vào ngày 12/7 và công bố phán quyết cùng ngày.

Từ Manila, Herminio Coloma Jr, thư ký báo chí văn phòng Tổng thống, cho biết Philippines chờ đợi một phán quyết công bằng để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.

Ông Paul Reichler, trưởng đoàn luật sư Philippines trong vụ kiện tại (PCA), cũng nói rằng: “Chúng tôi tự tin sẽ giành được thành công trong vụ kiện này... Sẽ tới lúc Trung Quốc nhận ra rằng họ mất nhiều thứ hơn là được khi tạo ra tình trạng hỗn loạn vô luật pháp”. Ông cũng dự đoán Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực từ nhiều nước.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen nhấn mạnh Mỹ ủng hộ phán quyết của tòa. “Chúng tôi ủng hộ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có việc sử dụng các cơ chế luật pháp quốc tế như tòa án trọng tài”, bà Richey-Allen nói. Mỹ tuy không có tranh chấp và cũng không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng tuyên bố rằng việc giải quyết các tranh chấp và thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không ở đây có tác động đến lợi ích quốc gia của Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn ngang ngược tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của PCA. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua lớn tiếng nói rằng PCA không có thẩm quyền xử vụ kiện này và đề nghị tòa không tổ chức điều trần hay đưa ra phán quyết. “Về vấn đề lãnh thổ và tranh chấp hàng hải, Trung Quốc không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên thứ ba và không chấp nhận bất cứ phán quyết nào ràng buộc với Trung Quốc”, người phát ngôn Hồng Lỗi lớn tiếng nói.

Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế từ tháng 1/2013. Đơn của Philippines đề nghị phân xử 3 việc: làm rõ tính pháp lý của đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc ôm lấy một vùng rộng lớn ở Biển Đông; quy chế của những thực thể Trung Quốc chiếm đóng như các bãi cạn và các quyền hàng hải của chúng, và các hoạt động của Trung Quốc trong những nơi Philippines coi là vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông thông qua yêu sách “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò”, chồng lấn chủ quyền với nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.

Philippines cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật biển - một công ước mà Bắc Kinh đã ký kết. Trong khi đó, giới chức Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc có thể phản ứng tiêu cực với phán quyết của tòa trọng tài với việc trắng trợn tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông như từng làm ở Hoa Đông năm 2013, hay tăng cường cải tạo, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở đây.

Giới chức Mỹ tuyên bố, để đối phó với các hành động này của Trung Quốc, ngoài gây sức ép ngoại giao, Mỹ sẽ triển khai các biện pháp khác trong đó có đẩy mạnh tuần tra tự do hàng hải, hàng không cũng như tăng cường viện trợ quốc phòng cho các nước Đông Nam Á.

Minh Phương

Tổng hợp