1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tòa Hình sự Quốc tế lên tiếng sau khi Nga phát lệnh truy nã công tố viên

Minh Phương

(Dân trí) - Các thành viên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) bày tỏ quan ngại việc Nga phát lệnh truy nã, truy tố vắng mặt đối với công tố viên và một số thẩm phán của tòa án này.

Tòa Hình sự Quốc tế lên tiếng sau khi Nga phát lệnh truy nã công tố viên - 1

Ông Karim Asad Ahmad Khan, luật sư người Anh hiện là công tố viên của ICC (Ảnh: Reuters).

"ICC đã nắm được thông tin và quan ngại sâu sắc về các biện pháp cưỡng chế không chính đáng và phi lý nhằm vào các thành viên của ICC", Reuters dẫn thông cáo của tòa án ngày 21/5 cho biết.

Thông cáo cũng nhấn mạnh: "ICC thấy những biện pháp này không thể chấp nhận được. Tòa án sẽ không nao núng trong việc thực hiện nhiệm vụ hợp pháp của mình để đảm bảo trách nhiệm giải trình đối với các hành động nghiêm trọng gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế".

Hội đồng các quốc gia thành viên ICC, cơ quan giám sát quản lý của tòa án, cũng nói rằng họ "rất tiếc về những hành vi đe dọa và những nỗ lực không thể chấp nhận được nhằm làm suy yếu nhiệm vụ của ICC.

Hôm 19/5, Bộ Nội vụ Nga đã phát lệnh bắt giữ ông Karim Asad Ahmad Khan, luật sư người Anh hiện là công tố viên của ICC. Trước đó, Ủy ban Điều tra Nga hồi tháng 3 thông báo sẽ mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào các thẩm phán và công tố viên của ICC. Những người này gồm công tố viên Karim Ahmad Khan, thẩm phán Tomoko Akane, Rosario Salvatore Aitala và Sergio Gerardo Ugalde Godinez.

Moscow cáo buộc những thành viên này của ICC "có dấu hiệu vi phạm luật pháp Nga, tìm cách chống lại đại diện nước ngoài được bảo vệ theo luật pháp quốc tế, nhằm gây phức tạp quan hệ trên thế giới" sau khi phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3.

Ủy ban Điều tra của Nga hôm 21/5 đã truy tố vắng mặt và đưa các thẩm phán, công tố viên ICC vào danh sách truy nã.

"Hiện tại, cuộc điều tra đã thu thập đầy đủ bằng chứng để truy tố vắng mặt đối với công tố viên ICC Khan Karim Asad Ahmad và thẩm phán Rosario Salvatore Aitala", Ủy ban Điều tra của Nga cho hay.

Các nhà điều tra trích dẫn điều khoản trong Bộ luật Hình sự Nga, trong đó nêu rõ, nếu thẩm phán và công tố viên ICC bị buộc tội theo những điều khoản đó có thể bị phạt tù đến 12 năm.

Quyết định truy nã và truy tố của Nga nhằm vào các thành viên của ICC đưa ra sau khi ICC phát lệnh bắt giữ Tổng thống Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga". Đây không phải lần đầu tiên ICC phát lệnh bắt một nguyên thủ quốc gia đang tại nhiệm, nhưng cơ quan này chưa từng có động thái như vậy với lãnh đạo của một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nga coi lệnh bắt giữ của ICC là "vô hiệu và không thể chấp nhận được". Moscow đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của tòa án này và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 10/5 cho biết, Nga không lo lắng về lệnh bắt giữ của ICC đối với ông Putin. Ông nói, khó có thể tưởng tượng được bất kỳ quốc gia nào dám thực thi lệnh bắt giữ chủ nhân Điện Kremlin.

Theo Reuters, Pravda

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm