1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga lên tiếng về lệnh bắt ông Putin của Tòa hình sự quốc tế

Thành Đạt

(Dân trí) - Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin và một quan chức Nga với cáo buộc liên quan tới trẻ em Ukraine, tuy nhiên Moscow đã phản bác quyết định này.

Nga lên tiếng về lệnh bắt ông Putin của Tòa hình sự quốc tế - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 17/3 đã phát lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".

Tuyên bố của ICC cho biết, có "cơ sở hợp lý để tin rằng ông Putin phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các hành vi trên", bao gồm các hành vi trực tiếp hoặc thông qua những người khác dưới quyền chỉ huy của mình, cũng như việc ông "không thực hiện quyền kiểm soát đúng đắn đối với các cơ quan dân sự và quân sự dưới quyền".

Theo hãng tin RT (Nga), hàng nghìn người dân ở các vùng Donetsk, Lugansk, Zaporozhye và Kherson - 4 khu vực đã bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập vào Nga hồi tháng 9 năm ngoái - đã được sơ tán sang lãnh thổ Nga trong bối cảnh các lực lượng Ukraine cố tình pháo kích vào dân thường bằng vũ khí do NATO cung cấp.

Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cảnh báo lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành đối với Tổng thống Nga "mới chỉ là khởi đầu". Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng hoan nghênh lệnh này, nói rằng "bánh xe công lý đang quay".

Các quan chức Nga ngay lập tức phản bác quyết định của ICC. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các lệnh này "không có ý nghĩa" đối với Nga, kể cả từ "quan điểm pháp lý".

"Nga không phải là thành viên của Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế và không có nghĩa vụ nào liên quan. Lệnh này vô hiệu về mặt pháp lý đối với chúng tôi", bà Zakharova phản bác.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Chúng tôi coi quyết định này là thái quá và không thể chấp nhận được. Nga, giống như nhiều quốc gia khác, không công nhận thẩm quyền của tòa án này. Theo đó, bất kỳ tuyên bố nào của tòa đều vô hiệu đối với Nga về mặt pháp lý".

Thượng nghị sĩ Andrey Klishas, một thành viên cấp cao của đảng Nước Nga thống nhất, gọi thông báo của ICC  là "lố bịch", nói rằng ICC đang tự đặt mình vào con đường tự hủy.

Bà Lvova-Belova cũng lên tiếng đáp trả quyết định của ICC nhằm vào mình.

"Thật tuyệt khi cộng đồng quốc tế đánh giá cao công việc giúp đỡ trẻ em của đất nước chúng tôi, rằng chúng tôi không bỏ mặc các em trong vùng chiến sự, mà chúng tôi đã đưa các em ra ngoài, rằng chúng tôi đã tạo điều kiện tốt cho các em, rằng chúng tôi bao bọc các em bằng tình yêu thương và sự quan tâm", bà Lvova-Belova nói.

Ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cũng bác bỏ lệnh của ICC.

Theo RT