1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Toà án tối cao Ai Cập kêu gọi giải tán quốc hội, căng thẳng gia tăng

(Dân trí) - Toà án tối cao Ai Cập hôm qua ra phán quyết rằng cuộc bầu cử quốc hội hồi năm ngoái là trái với hiến pháp và kêu gọi giải tán quốc hội để bầu cử lại. Diễn biến này đã đưa Ai Cập vào bất ổn mới và đẩy căng thẳng chính trị lên cao.

 
Người Ai Cập tham gia một cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Cairo hôm qua.
Người Ai Cập tham gia một cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Cairo hôm qua.

Chỉ 2 ngày trước khi người Ai Cập đi bỏ phiếu chọn tổng thống mới, toà án tối cao tuyên bố cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái không phù hợp với hiến pháp.

Ứng viên tổng thống của lực lượng Huynh đệ Hồi giáo Mohamed Mursi cho rằng quyết định trên “cần được tôn trọng”. Nhưng các nhân vật chính trị khác đã bày tỏ sự giận dữ xen những lo ngại rằng quân đội muốn gia tăng quyền lực.

Một chính trị gia cấp cao khác của lực lượng Huynh đệ Hồi giáo, Essam Al-Arian, nói phán quyết của toà án tối cao đối với quốc hội có thể khiến Ai Cập đi vào “đường hầm đen tốn”.

Đảng Công lý và tự do của lực lượng Huynh đệ Hồi giáo đã giành 46% phiếu bầu trong cuộc bầu cử quốc hội kéo dài 3 tháng hồi năm ngoái và ông Arian cảnh báo rằng quyết định của toà án tối cao có thể khiến tổng thống tương lai không có một quốc hội hay hiến pháp.

Ông Abdul Moneim Aboul Fotouh, người từng tham gia vòng 1 của cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 5, cho hay việc giải tán quốc hội đã dẫn tới một “cuộc đảo chính tuyệt đối”.

Hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập tại quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo sau phát quyết của toà án tối cao.

Cựu Thủ tướng dưới thời Tổng thống Mubarak được phép tranh cử
 
Toà án tối cao Ai Cập kêu gọi giải tán quốc hội, căng thẳng gia tăng
Ông Mohammed Mursi (trái) và cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq sẽ đối đầu trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2.
 
Trong một phán quyết riêng rẽ, toà án tối cao cũng quyết định rằng cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq được tiếp tục tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử vòng 2 vào ngày 16-17/6, bác bỏ một đạo luật vốn cấm ông tranh cử là không hợp hiến.

Theo Luật tước quyền chính trị, được quốc hội thông qua hồi tháng 4, các quan chức cấp cao dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị cấm tranh cử.

Ông Shafiq sẽ đối đầu với ông Mursi trong cuộc bầu cử vòng 2.

Hội đồng quân sự cầm quyền (SCAF) của Ai Cập đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp sau 2 phán quyết của toà án và sau đó xác nhận rằng cuộc bầu cử tổng thống sẽ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch và kêu gọi người dân đi bỏ phiếu.

Nhưng sự ngờ vực về các ý định của quân đội đã được nêu ra hôm 13/6 sau khi Bộ Tư pháp thông báo rằng các quân nhân có quyền bắt giữ thường dân trong giai đoạn diễn ra bầu cử.

Giới phân tích cho rằng nếu quốc hội bị giải tán, sẽ xảy ra nhiều tranh cãi vì lực lượng Huynh đệ Hồi giáo - hiện đang giành đa số ghế trong quốc hội - có thể lo ngại về việc giành được ít ghế hơn trong cuộc bầu cử lại.

Kể từ khi chính quyền của cựu Tổng thống Mubarak sụp đổ, quân đội Ai Cập đã cam kết chuyển giao quyền lực cho một tổng thống đắc cử vào đầu tháng 7. Nhưng với việc không có hiến pháp và giờ đây là viễn cảnh không có quốc hội để thảo ra hiến pháp, tổng thống mới nhiều khả năng sẽ không có quyền lực vào thời điểm ông nhậm chức.

An Bình
Theo BBC