Tổ chức an ninh lớn nhất thế giới coi Wagner là khủng bố
(Dân trí) - Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) - tổ chức an ninh lớn nhất thế giới - coi nhóm quân sự tư nhân Wagner của Nga là khủng bố.
Tass đưa tin, Hội đồng Nghị viện của OSCE ngày 4/7 đã thông qua một nghị quyết coi Wagner là tổ chức khủng bố.
"Hội đồng Nghị viện OSCE xác định rằng các hành động của nhóm Wagner có thể được coi là có bản chất và ý định khủng bố, và do đó, việc xem nhóm Wagner là một tổ chức khủng bố là hợp lý", văn bản viết.
Nghị quyết trên được thông qua sau một phiên họp được tổ chức tại Vancouver, Canada từ ngày 30/6 đến ngày 4/7.
Nghị quyết kêu gọi các quốc gia OSCE sử dụng đầy đủ tất cả các công cụ trong nước và quốc tế, bao gồm cả những công cụ được lập ra để chống khủng bố, nhằm ngăn chặn sự hiện diện tập đoàn quân sự tư nhân Wagner (và các chi nhánh) ở bất cứ nơi nào tổ chức này hoạt động và đảm bảo tổ chức này phải chịu trách nhiệm cho các hành động họ gây ra.
Ngoài ra, tài liệu "khuyến khích các quốc gia tham gia OSCE củng cố các chuẩn mực quốc tế thừa nhận rõ ràng bản chất khủng bố của Wagner và các hành động của nhóm này".
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) là một tổ chức an ninh liên chính phủ lớn nhất thế giới. OSCE có 57 thành viên từ châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Á. Cả Nga, Mỹ và Ukraine đều là thành viên của tổ chức này. Nhiệm vụ chính của OSCE là ngăn chặn xung đột, giám sát hòa bình và quan sát các cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa Nga và OSCE đã leo thang sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Phái đoàn Nga cũng không tới Canada để dự họp Hội đồng Nghị viện OSCE từ 30/6 đến 5/7.
Phía Wagner và Nga chưa bình luận về động thái của OSCE.
Trước đó, Ukraine nhiều lần kêu gọi Mỹ đưa Wagner vào danh sách tổ chức khủng bố, nhưng tới nay Washington chưa đưa ra quyết định này. Mặt khác, Mỹ đã áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân, thực thể bị cáo buộc liên quan tới Wagner.
Gần đây nhất, Mỹ ngày 27/6 công bố các biện pháp trừng phạt đối với các công ty ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Cộng hòa Trung Phi và Nga mà Washington cáo buộc là tham gia vào giao dịch vàng bất hợp pháp để cung cấp tài chính cho lực lượng quân sự tư nhân Wagner.
Ngoài ra, Washington cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Andrey Nikolayevich Ivanov, một công dân Nga bị Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc là giám đốc điều hành của tập đoàn Wagner.
Wagner được thành lập vào năm 2014 và đã hoạt động ở nhiều nước tại châu Phi dưới danh nghĩa lực lượng quân sự tư nhân. Trong chiến sự ở Ukraine, nhóm này đã giúp Nga giành được một số điểm nóng.
Wagner thu hút sự chú ý của dư luận vào hôm 23/6 khi châm ngòi cho một cuộc nổi loạn ở Nga. Căng thẳng đã leo thang dồn dập và chỉ lắng xuống sau khi chính phủ Nga và Wagner đạt được thỏa thuận nhờ vào nỗ lực hòa giải của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Theo thỏa thuận này, ông Prigozhin đồng ý ra lệnh dừng cuộc "hành quân" vào Moscow, yêu cầu lực lượng Wagner rút về căn cứ. Ông cũng chấp nhận chuyển đến Belarus.