Tình hình Syria: Thế nhượng bộ và toan tính hai ông lớn
Tình hình căng thẳng tại Syria, buộc Mỹ và Nga phải có những toan tính riêng để đạt được mục tiêu trong cuộc chiến chống IS.
Mỹ huấn luyện phe "đối lập ôn hòa"
Ngày 4/11, kênh truyền hình vệ tinh quốc gia Lebanon, Al Mayadeen, trích dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, các cố vấn quân sự Mỹ đã đến Syria và đang huấn luyện cho lực lượng đối lập ôn hoà gần thành phố Salma, nằm gần tỉnh miền tây Latakia.
Latakia là nơi Nga đang thành lập căn cứ không quân cho chiến dịch quân sự tại Syria. Mặc dù Washington đã khẳng định rằng, họ huấn luyện cho lực lượng đối lập chống lại IS nhưng các nguồn tin quân sự ở Syria cho biết, không có nhiều quân khủng bố hoạt động gần khu vực này.
Động thái gửi hơn 50 cố vấn quân sự tới Syria bị nhiều người chỉ trích là trái ngược hoàn toàn với cam kết của ông Obama hồi 2013 về việc không cử bất kì lính bộ binh nào đến Syria.
Mỹ đã triển khai 50 lính đặc nhiệm tới Syria để huấn luyện cho lực lượng đối lập ôn hòa (Ảnh minh họa: AFP)
Chính quyền Tổng thống Obama đang chịu áp lực phải tăng cường nỗ lực chống lại IS sau khi quân đội Iraq để mất thành phố Ramadi vào tay nhóm khủng bố này và Washington cũng chưa thu được thành quả nào đáng kể sau khi không kích chống lại IS trong 1 năm qua.
Phát biểu trên kênh MIR TV của Nga vào hôm 2/11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thể hiện thái độ hợp tác khi cho biết, Washington muốn phối hợp hành động với Nga, nhưng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào phía Moscow.
Trong một diễn biến khác, Nga cũng đang có hành động thân mật với nhóm đối lập Syria và cùng nhau lập ra nhóm điều phối chống IS.
Hãng Tass ngày 4/11 dẫn lời Tướng Andrei Kartapolov, đại diện Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga cho biết Nga và lực lượng đối lập Syria đã chung nhau lập nhóm điều phối. Song đây là đầu tiên Nga công khai có sự phối hợp giữa các nhóm đối lập kể từ khi chính thức can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Syria.
Nga tìm cửa lùi tại Syria
Mặc dù vẫn đang đẩy mạnh các hoạt động không kích nhằm vào lực lượng phiến quân IS nhưng Moskva đã khôn khéo tìm cửa lui cho chính mình trong cuộc nội chiến xung đột kéo dài tại quốc gia Trung Đông này.
Hôm 3/11, lực lượng không quân vũ trụ Nga đã ném 2 quả bom xuyên phá BETAB-500 để phá tan các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.
Phát ngôn viên của lực lượng không quân vũ trụ Nga, Đại tá Igor Klimov đã xác nhận việc dùng máy bay chiến đấu Su-24 thả 2 quả bom xuyên phá hàng đầu của Nga để tiêu diệt các mục tiêu của IS trên mặt đất Syria.
Ông Klimov khẳng định, lực lượng không quân vũ trụ Nga dùng loại bom này để phá vỡ các hầm vũ khí ngầm, trung tâm chỉ huy của IS chứ không hề nhắm các mục tiêu gần khu đông dân cư.
Trong chiến dịch không kích của Nga, không quân nước này sử dụng các loại tên lửa dẫn đường, bom thông minh KAB-500 và bom xuyên phá bê tông BETAB-500 để tấn công IS.
Nga đang tìm cửa lùi tại Syria khi ngày càng có nhiều động thái bắt tay với Mỹ.
Truyền thông phương Tây đồn đoán rằng, Nga đang tìm cửa rút lui an toàn cho chính mình khi đang giảm dần mức độ quan tâm đến Syria và có những động thái hợp tác với Washington. Điều này không phải là không có cơ sở.
Trước đó, khi được hỏi liệu việc Tổng thống Syria Assad giữ ghế có phải là vấn đề nguyên tắc đối với Nga hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định: “Chắc chắn là không, chúng tôi chưa bao giờ nói thế. Chúng tôi không nói rằng ông Assad nên ở lại hay ra đi. Việc thay đổi chế độ ở Syria có thể trở thành thảm họa không chỉ ở địa phương mà còn gây ra vấn đề về người tị nạn như hiện nay, và có thể trở thành một hố đen khổng lồ”.
Trong khi đó, nhiều động thái cho thấy Nga bắt tay với Mỹ. Hôm 3/11, các chiến đấu cơ của Mỹ và Nga đã cùng nhau phối hợp thành công chuỗi hành động tránh tai nạn trên không khi đang triển khai hai chiến dịch không kích riêng rẽ.
Theo Jeff Davis, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, cuộc diễn tập giữa phi cơ Nga và Mỹ diễn ra ở khu vực Trung Nam Syria, kéo dài trong 3 phút và đã "đạt mục tiêu như dự kiến".
Hôm 20/10 Nga và Mỹ đã cùng ký "bản ghi nhớ về nhận thức chung" nhằm giảm xung đột trong các chiến dịch không kích hai nước triển khai ở Syria.
Thực tế, tình hình Syria đang ngày càng diễn biến phức tạp. Giải pháp đối thoại đang gặp phải khó khăn khi các tổ chức đối lập Syria hoạt động rời rạc và bị cuốn vào các cuộc đấu đá nội bộ. Việc Nga và Mỹ có những toan tính của riêng mình trong các cuộc không kích nhằm tìm đường rút lui tránh những sa lầy tại quốc gia Trung Đông vào thời điểm này là điều có thể lý giải được.
Theo Hòa Bình (tổng hợp)
Đất Việt