Tình hình Belarus: Mỹ muốn hợp tác với EU giải quyết khủng hoảng, các nước kêu gọi bầu cử lại
Ngày 13/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Washington hy vọng hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Belarus sau khi sự kiện Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử.
Phát biểu với phóng viên trong chuyến thăm tới Slovenia, Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ "tin tưởng rằng EU và Mỹ có chung mối quan ngại về những gì đã và đang xảy ra tại Belarus, và hy vọng hai bên có thể cùng nhau phối hợp" giải quyết cuộc khủng hoảng.
Cũng trong cuộc họp báo chung với ông Pompeo, Thủ tướng Slovenia Janek Jansa kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử mới tại Belarus. Theo nhà lãnh đạo Slovenia, giải pháp hòa bình duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Belarus là tổ chức lại bầu cử với sự hiện diện dày đặc của các phái bộ quan sát quốc tế.
Đồng quan điểm với ông Jansa, Thủ tướng Czech Andrej Babis cũng cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống Belarus phải được tổ chức lại với sự hiện diện của các quan sát viên nước ngoài và ủng hộ việc Ba Lan kêu gọi các nhà lành đạo Liên minh châu Âu (EU) thảo luận về tình huống này.
Trong khi đó, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda cùng ngày tuyên bố, không có cơ sở để coi ông Alexander Lukashenko là tổng thống hợp pháp của Belarus: "Tôi nghĩ rằng chúng ta không thể coi vị trí Tổng thống của ông Lukashenko là hợp pháp, vì không có cuộc bầu cử dân chủ, tự do ở Belarus".
Ông Nauseda cũng cho biết, không loại trừ việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Belarus, song lưu ý, quyết định như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người dân Belarus.
Để giải quyết khủng hoảng ở nước láng giềng, ông đề nghị cộng đồng thế giới cùng tham gia hỗ trợ. Theo cơ quan báo chí của Tổng thống Nauseda, Litva cùng Latvia, Estonia và Ba Lan đã ra tuyên bố đặc biệt về việc sẵn sàng làm trung gian nhằm giải quyết khủng hoảng tại Belarus.
Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng làm trung gian hòa giải nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Belarus và củng cố độc lập và chủ quyền của nước này". Các bên tham gia tuyên bố tin rằng hòa giải "là một giải pháp ngoại giao để giải quyết khủng hoảng có giá trị sử dụng cao".
Trước đó, ngày 12/8, ông Nauseda cho biết, Litva, Latvia và Ba Lan đã soạn thảo một kế hoạch ba điểm nhằm giải quyết khủng hoảng Belarus. Theo đó, dự kiến chính quyền Belarus sẽ kiềm chế sử dụng vũ lực đối với người biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8 vừa qua, trả tự do cho tất cả những người bị bắt giữ và bắt đầu tổ chức đối thoại với đại diện các tổ chức xã hội dân sự.
Trong diễn biến liên quan, ngày 13/8, Đức, quốc gia hiện nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, đã triệu Đại sứ Belarus tại nước này tới trụ sở Bộ Ngoại giao ở Berlin để trao đổi khẩn cấp về việc tái cử gây tranh cãi của Tổng thống Alexander Lukashenko.
Động thái này diễn ra trước khi các ngoại trưởng EU dự kiến họp trong ngày 14/8 để thảo luận về khả năng trừng phạt Belarus. Các nhân vật đối lập với ông Lukashenko đã cáo buộc vị tổng thống gian lận trong cuộc bầu cử ngày 9/8 vừa qua để đánh bại đối thủ chính là ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovskaya.
Theo truyền thông châu Âu, trong 4 đêm xảy ra biểu tình sau cuộc bầu cử, cảnh sát đã sử dụng lựu đạn gây choáng, đạn cao su, hơi cay, vòi rồng và trong ít nhất một trường hợp đã bắn đạn thật để giải tán đám đông. Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, trong khi gần 7.000 người bị bắt giữ.
Theo Thế Việt
Thế giới & Việt Nam