1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tình báo Mỹ nỗ lực “giải mã” vũ khí chiến thuật Triều Tiên vừa thử nghiệm

(Dân trí) - Tình báo Mỹ và các chuyên gia quân sự đã đưa ra nhiều nhận định khác nhau về bản chất loại vũ khí chiến thuật mà Triều Tiên vừa thông báo thử nghiệm trong tuần này.

Tình báo Mỹ nỗ lực “giải mã” vũ khí chiến thuật Triều Tiên vừa thử nghiệm - 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một đơn vị không quân Triều Tiên ngày 17/4. (Ảnh: Korea Times)

Ngày 18/4, Triều Tiên bất ngờ thông báo về một vụ thử nghiệm vũ khí dẫn đường chiến thuật mới sau nhiều tháng “im hơi lặng tiếng”. Truyền thông Triều Tiên cho biết vụ thử này được thực hiện dưới sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đài CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Washington không tin Triều Tiên đã thử thành công một vũ khí mới có khả năng tác chiến hoàn thiện. Đánh giá sơ bộ của tình báo Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng chỉ thử nghiệm các bộ phận của một vũ khí chống tăng.

Theo quan chức trên, đánh giá của Mỹ được đưa ra dựa trên việc xem xét các thông tin thu thập được từ vệ tinh và máy bay, trong đó không cho thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của một vụ phóng vũ khí chiến thuật tầm ngắn hay tên lửa đạn đạo.

Mỹ tin rằng nếu Triều Tiên thực sự phóng một vũ khí chống tăng hoàn thiện, các hệ thống cảm biến của Mỹ có thể sẽ phát hiện được một số dấu hiệu cho thấy điều này. Tuy nhiên, theo lời quan chức Mỹ, điều này đã không xảy ra.

Quan chức Mỹ nói rằng các dữ liệu cảm biến được Mỹ xem xét cho thấy các bộ phận của vũ khí mà Triều Tiên phóng thử không tương thích với bất kỳ vũ khí quân sự hiện đại nào của quân đội Triều Tiên.

Một quan chức Mỹ quen thuộc với các hoạt động giám sát tên lửa Triều Tiên cho biết cả Bộ Chỉ huy Chiến lược của Mỹ và Bộ Chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) đều không quan sát thấy bất kỳ vụ thử nghiệm vũ khí nào của Triều Tiên. Điều đó loại trừ khả năng các vũ khí thử nghiệm bay cao vào bầu khí quyển, chẳng hạn tên lửa đạn đạo, nhưng cũng không loại trừ khả năng Triều Tiên thử nghiệm vũ khí ở độ cao thấp hơn.

Nhà phân tích Kim Dong-yub tại Seoul, người từng là cựu quan chức quân đội Hàn Quốc, cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu có phải Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm cùng loại tên lửa đạn đạo mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng thị sát hồi tháng 11 năm ngoái hay không. Trong khi đó, Melissa Hanham, một chuyên gia về vấn đề không phổ biến vũ khí, cho rằng Triều Tiên có thể thử bất cứ thứ gì, từ vũ khí chống tăng cho tới tên lửa hành trình.

Vài giờ sau khi Triều Tiên thông báo về vụ thử vũ khí mới, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng lên tiếng cho rằng vụ thử lần này không liên quan tới tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

“Tôi sẽ không đi vào thông tin tình báo chi tiết, nhưng theo tôi vũ khí đó không phải là tên lửa đạn đạo. Và chúng tôi cũng không thay đổi lập trường hoặc các hoạt động của chúng tôi”, ông Shanahan nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc.

Nhiều suy đoán đã được đưa ra về loại vũ khí mà Triều Tiên vừa thử nghiệm. Một nhà phân tích Hàn Quốc nói với AP rằng những thông tin do truyền thông Triều Tiên tiết lộ về vụ thử vũ khí mới cho thấy đây có thể là một loại tên lửa hành trình mới. Một chi tiết khác đáng chú ý được truyền thông Triều Tiên đề cập là sự xuất hiện của Pak Jong Chon, tư lệnh Bộ Chỉ huy pháo binh Triều Tiên, tại vụ thử nghiệm.

“Chúng tôi không biết đó là vũ khí gì nhưng có thể đó là hệ thống chiến thuật kiểu như hệ thống tên lửa phóng loạt hay hệ thống phòng vệ bờ biển, phòng vệ trên không”, Vipin Narang, phó giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts Mỹ, nói với báo Telegraph.

Thông điệp của Triều Tiên

Tình báo Mỹ nỗ lực “giải mã” vũ khí chiến thuật Triều Tiên vừa thử nghiệm - 2

Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 vào tháng 11/2017. (Ảnh: KCNA)

 

CNN dẫn lời quan chức Mỹ cho biết Mỹ tin rằng vụ thử lần này của Triều Tiên nhiều khả năng do nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ đạo để gửi một thông điệp tới Washington rằng, Bình Nhưỡng vẫn có khả năng thử nghiệm vũ khí song không tạo ra động thái khiêu khích.

Triều Tiên đã dừng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo từ cuối năm 2017 để xây dựng bầu không khí hòa dịu cho các cuộc đàm phán ngoại giao với Mỹ. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui bất ngờ cảnh báo về nguy cơ dừng các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, đồng thời để ngỏ khả năng tiến hành trở lại các vụ thử vũ khí gây tranh cãi.

Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên lần này nhiều khả năng không phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc tầm trung, vốn là những vũ khí nằm trong diện bị cấm. Việc Bình Nhưỡng chỉ thử nghiệm vũ khí ở cấp độ nhẹ hơn được cho là nhằm chứng minh với người dân trong nước rằng chính quyền Triều Tiên vẫn đang duy trì chương trình phát triển vũ khí, đồng thời trấn an các quan chức quân sự nước này, những người đang lo ngại việc bắt tay ngoại giao với Mỹ có thể cho thấy sự yếu thế của Triều Tiên.

Trả lời câu hỏi về thông điệp của Triều Tiên gửi tới Mỹ khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử vũ khí và yêu cầu thay thế Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bằng một nhà đàm phán “chín chắn hơn”, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tỏ ra thận trọng.

“Khi bạn kết hợp nhiều thông điệp khác nhau, bạn có thể đưa ra nhiều kết luận khác nhau. Tôi muốn chúng tôi xem xét các thông tin tình báo mà chúng tôi thu thập được rồi sau đó mới xác định xem thông điệp thực sự (của Triều Tiên) là gì. Các bạn có thể diễn giải ra nhiều vấn đề. Nhưng tôi sẽ không vội đưa ra nhận định”, ông Shanahan cho biết.

Theo Eric Brewer, cựu giám đốc phụ trách chống phổ biến vũ khí tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, vụ thử vũ khí lần này của Triều Tiên “không đáng quan ngại”. Ông Brewer cho rằng những động thái khiêu khích ở cấp độ thấp như vậy là điều có thể dự đoán được từ trước.

Cũng theo ông Brewer, mục đích của Triều Tiên khi tuyên bố thử vũ khí là nhằm gia tăng sức ép lên chính quyền Tổng thống Donald Trump sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

“Tôi không nghĩ có bất kỳ lý do nào để lên án hay làm rùm beng vụ thử vũ khí lần này”, ông Brewer nói khi được hỏi liệu chính quyền Mỹ có nên phản ứng công khai với hành động thử vũ khí của Triều Tiên hay không.

“Sẽ là khôn ngoan hơn nếu chúng ta tiếp tục tập trung vào việc thúc đẩy tiến trình ngoại giao và phớt lờ những lời bình luận về Triều Tiên”, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói.

Thành Đạt

Tổng hợp