1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vụ án công nương Diana lại rối tung

Tình báo Anh, Mỹ, Pháp nhúng tay vào cái chết của Diana?

Cuối tháng 5 vừa qua, tướng Michael Hayden, tân giám đốc Trung ương tình báo Mỹ (CIA), nguyên giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), đã đến London gặp các nhà lãnh đạo tình báo Anh. Trong chiếc cặp xách tay luôn luôn được khóa cẩn thận của ông, không rõ có tài liệu nào về công nương Diana?

Lord John Stevens, người đứng đầu nhóm điều tra vụ án công nương Diana, nghe đâu sẽ trực tiếp gặp tướng Hayden để làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến cái chết của bà Diana. Ông hy vọng tướng Hayden sẽ xác nhận hoặc phủ nhận thông tin công nương có bầu với người yêu Dodi al Fayed.

 

Giới tình báo đang theo dõi tôi

 

Một năm trước khi chết, công nương Diana từng tuyên bố trên đài BBC rằng bà đang bị tình báo các nước theo dõi từng đường đi nước bước. Theo bà, sở dĩ tình báo quốc tế quan tâm tới bà vì bà mở chiến dịch chống mìn cá nhân mà chuyện này đụng chạm quyền lợi của các nhà sản xuất vũ khí Mỹ, Anh. Hai nước này sản xuất và buôn bán mìn các loại lớn nhất thế giới.

 

Thư tay của công nương Diana viết cho Paul Burrell, quản gia của bà, nói bà sợ rằng có ai đó “lên kế hoạch tạo ra một tai nạn xe cộ với chiếc xe của tôi”

 

NSA từng nhìn nhận nắm trong tay 1.050 tài liệu về công nương Diana, trong đó có nhiều cuộc nghe lén điện thoại của công nương Diana ở Paris, trong những tuần lễ cuối cùng trước khi công nương gặp nạn, thông qua vệ tinh. Tuy nhiên, NSA từ chối chia sẻ những thông tin này với người Anh vì lý do “an ninh quốc gia”! Có tin tướng Hayden còn ra lệnh bí mật cất giữ những tài liệu đó tại khu phức hợp Fort George Meade ở ngoại ô Washington.

 

 

Tình báo Anh, Mỹ, Pháp nhúng tay vào cái chết của Diana? - 1

 

Thư tay của công nương Diana viết cho Paul Burrell, quản gia của bà, nói bà sợ rằng có ai đó “lên kế hoạch tạo ra một tai nạn xe cộ với chiếc xe của tôi”

Cũng có tin CIA từng nghe lén điện thoại của công nương Diana. Những thông tin này đã được ghi chép lại trên hơn 150 trang giấy A4. Khác với NSA, CIA dường như đã trao hết tài liệu này cho tình báo Anh.

 

Ari Ben-Menashe, cựu cố vấn an ninh quốc gia của chính phủ Israel, quả quyết rằng NSA biết rõ những chuyện gì xảy ra trước khi công nương Diana gặp nạn. Ben–Menashe cũng xác nhận rằng Mossad, Cơ quan Tình báo Israel, cũng có nhiều tài liệu về cái chết của cặp tình nhân Diana-Dodi. Một quan chức cao cấp của Mossad cho biết thêm: “Mối quan tâm của chúng tôi không phải là công nương Diana mà là Henri Paul, tài xế gây ra tai nạn làm công nương Diana chết. Chúng tôi biết Paul làm việc cho tình báo Pháp với tư cách là trưởng ban bảo vệ khách sạn Ritz ở Paris. Chúng tôi còn biết khách sạn Ritz là nơi trú chân của những tay buôn vũ khí cho các phần tử chống Israel. Trước khi anh ta chết, chúng tôi đã cố thuyết phục Paul làm việc cho chúng tôi”.

 

Paul thực sự làm việc cho ai?

 

Ba giờ trước khi lái xe gây tai nạn chết người, tài xế Henri Paul ở đâu? Đây là một câu hỏi mà Lord Stevens rất quan tâm và là một nghi vấn cần được làm rõ. Theo nhật báo Anh Daily Express, trong khoảng thời gian trên, Paul có một cuộc họp tay ba với tình báo Anh và Pháp suốt 3 giờ đồng hồ. Tình tiết này, nếu được xác nhận, cho thấy tài xế Paul nằm trong một âm mưu giết người tinh vi.

 

Tờ báo cho biết thêm một nhóm tình báo quốc tế ưu tú đã chỉ thị cho Paul phải chạy theo con đường cho phép họ “theo dõi và loại trừ” bất cứ xe nào đi trên con đường đó. Tình tiết giật gân này đã được tiết lộ trên đài BBC vào giữa tháng 5 vừa rồi trong một cuộc phỏng vấn ông Mohamed al Fayed và John McNamara, Trưởng Ban An ninh của ông này. McNamara vốn là sĩ quan cao cấp của Scotland Yard, tức sở cảnh sát London.

 

 

Tình báo Anh, Mỹ, Pháp nhúng tay vào cái chết của Diana? - 2
 

Richard Tomlinson lúc còn làm cho Mi6

Theo Mohamed, cuộc họp bí mật tiến hành từ 7 giờ đến 22 giờ đêm 31/8/1997. Paul được thưởng tiền mặt 2.000 bảng Anh. (Tình tiết mang tính bùng nổ này do Richard Tomlinson, cựu nhân viên tình báo MI6 cung cấp). Nhiệm vụ của Paul là thuyết phục con trai ông Dodi nên bố trí một chiếc xe “cò mồi” của bộ phận an ninh khách sạn Ritz để đánh lừa bọn nhà báo săn ảnh trộm (paparazzi), còn công nương Diana và Dodi ngồi trên chiếc xe thứ hai do đích thân Paul lái.

 

Số tiền 2.000 bảng đã được tìm thấy trong túi của tài xế Paul lúc xảy ra tai nạn nhưng MI5 và MI6 (hai cơ quan tình báo đối nội và đối ngoại Anh) đều bác bỏ những giả thuyết của ông Mohamed al Fayed. Lord Stevens gần đây đã gặp bà Eliza Manningham-Buller, giám đốc MI5, Sir John Scarlett, Tổng Giám đốc MI6 và người tiền nhiệm là Sir Richard Dearlove, để làm sáng tỏ chuyện này.

 

Lộ trình mà Dodi chọn để đưa công nương trở về nhà riêng của anh ở Paris vẫn làm dư luận thắc mắc. Tại sao không phải lộ trình bình thường Dodi thường đi mà lại là một lộ trình xa hơn, khúc khuỷu hơn, đây là một bí ẩn mà Lord Stevens cần làm rõ.

 

Yếu tố Tomlinson

 

 

Tình báo Anh, Mỹ, Pháp nhúng tay vào cái chết của Diana? - 3
 

Lord John Stevens, người đứng đầu

nhóm điều tra vụ án công nương Diana

Richard Tomlinson, năm nay 43 tuổi, là một cựu điệp viên MI6. Ông từng bị ở tù vào năm 1997 bởi âm mưu xuất bản sách mô tả sự nghiệp điệp viên của mình, một hành động trái luật. Tuy nhiên, ra tù ông vẫn đấu tranh để xuất bản được cuốn sách hằng mong ước. Tomlinson còn bị MI6 tố cáo tiết lộ danh sách 116 nhân viên MI6 trên một website và trở thành cái gai trong mắt MI6.

 

Ngày 6/6 vừa qua, Tomlinson tiết lộ trên báo Daily Express rằng kịch bản giết công nương Diana và Dodi giống hệt cái mà MI6 đã dựng lên để thủ tiêu tổng thống Nam Tư - ông Slobodan Milosevic năm 1992. Tomlinson từng tận mắt thấy kịch bản ám sát ông Milosevic. Theo kịch bản, một tia chớp đèn flash cực mạnh đã được chiếu vào mắt tài xế Paul. Kỹ thuật này hoàn toàn phù hợp với các phương pháp mà MI6 thường dùng trong các vụ ám sát khác.

 

Tóm lại, nhóm điều tra của Lord John Stevens đã phải làm việc rất vất vả trong 2 năm qua. Tổng chi phí, theo đài BBC, đã lên đến 2 triệu bảng Anh (gần 60 tỉ VNĐ), trong đó phần lớn là tiền lương của 15 thành viên (600.000 bảng). Đó là chưa tính tiền chở chiếc xe Mercedes từ Paris đến London và tiền lương của Lord Stevens, vốn là một con số nhạy cảm không thể tiết lộ.

 

Theo kế hoạch, tháng 8 này Lord Stevens phải trình lên ông Michael Burgess, điều tra viên hoàng gia, bảng kết luận điều tra chính thức.

 

Theo Văn Anh

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm