1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những ẩn số trong vụ án Công nương Diana

Trước khi xác Diana được chở về Anh bằng máy bay, ai đã ra lệnh tẩm chất bảo quản xác Công nương trái với luật pháp Pháp? Tại sao Diana không được đưa đi cấp cứu ngay, để nàng phải chết trên đường tới bệnh viện? Tại sao đai an toàn của Diana, Dodi và tài xế bị hỏng trong khi của người vệ sĩ lại hoạt động tốt?...

Chiến dịch Paget là mật danh của cuộc điều tra do Lord John Stevens, cựu giám đốc sở cảnh sát London, cùng với 15 chuyên gia hàng đầu của ngành cảnh sát Anh tiến hành từ tháng 8/2004. Mục tiêu của chiến dịch là làm sáng tỏ những ẩn số đằng sau tai nạn xe hơi gây ra cái chết cho công nương Diana.

 

Công việc của nhóm điều tra rất đa đoan vì có quá nhiều câu hỏi cần được làm rõ. Tờ Daily Express điểm sơ có mấy ẩn số quan trọng như sau. Trước khi chở về Anh bằng máy bay, ai đã ra lệnh tẩm chất bảo quản (cụ thể là formaldehyde) xác bà Diana trái với luật pháp Pháp? Tại sao Diana không được đưa đi cấp cứu ngay, để nàng phải chết trên đường tới bệnh viện? Tại sao chiếc đai an toàn của bà Diana, Dodi và tài xế bị hỏng trong khi cái của người vệ sĩ của Dodi lại hoạt động tốt? Tại sao những mẫu máu của tài xế say xỉn không bao giờ được kiểm chứng một cách độc lập mà chỉ có phần kết luận của cơ quan điều tra Pháp? Những thước phim video của camera an ninh đặt ở dạ cầu ghi hình ảnh tai nạn xe bây giờ ở đâu? Và ba tiếng đồng hồ trước khi lên xe chở cặp tình nhân rời khỏi khách sạn Ritz, tài xế Paul đi đâu, gặp ai v.v...

 

Giả thuyết và giả thuyết

 

Lord Stevens cũng phải xem xét hàng chục giả thuyết về cái chết của công nương Diana mà logic đi từ thái cực này sang thái cực khác, trong đó giả thuyết tình báo Anh sát hại công nương Diana được xem là “sáng giá” nhất về mặt logic. Và đầu tháng này, chính miệng Lord Stevens tuyên bố nhóm điều tra của ông đã và đang xem xét nghiêm túc giả thuyết của ông Mohamed.

 

Điều đáng nói là đằng sau Mohamed al Fayed có cả một hậu phương lớn: nước Ai Cập, quê hương của nhà triệu phú Anh gốc Ai Cập này. Theo website CoverUps.com, Ai Cập trở thành trung tâm của ngành công nghiệp sáng tác những giả thuyết ly kỳ nhất về cái chết của công nương Diana. Tại Cairo người ta đếm được nửa tá đầu sách viết nguyên nhân cái chết của vị công nương được hâm mộ khắp thế giới này.

 

Trong số sách nói trên có một quyển đặt tựa là Ai giết Diana? của tác giả Mohamed Ragab nghe đâu được hoàn thành trong vòng ba ngày nhưng bán rất chạy nhờ giá rẻ (chỉ có 1,47 USD, tức khoảng 23.500 VNĐ). Cuốn sách này đưa ra những thông tin hết sức giật gân mặc dù không mới. Theo Ragab, hoàng gia Anh và “các nhóm Do Thái” đã ra lệnh hành quyết Diana để ngăn cản bà kết hôn với một người Hồi giáo.

 

Al Ahram, một tờ nhật báo hàng đầu ở Ai Cập, dưới ngòi bút của Anis Mansour, nguyên cố vấn của cựu tổng thống Ai Cập Anwar Sadat, khẳng định rằng công nương Diana bị “tình báo Anh giết để cứu chế độ quân chủ Anh”. Khalry Beshara, một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng của Ai Cập, đang viết một kịch bản phim về cái chết của Diana, theo đó bà này là nạn nhân đáng thương của những “truyền thống tàn nhẫn” mặc dù tỏ ra nghi ngờ giả thuyết của Ragab.

 

Thậm chí giờ đây còn có những người tin rằng công nương Diana chưa chết. Bà đang sống hạnh phúc với Dodi trên một hòn đảo nhỏ gần như cách biệt với thế giới văn minh gần Trung Đông. Bà vẫn thường xuyên liên lạc với hai con trai qua “video vệ tinh”!

 

Vào đầu tháng 5 vừa qua, nhóm điều tra của Lord Stevens đã phát hiện những chứng cứ mới giúp trả lời câu hỏi tại sao xác công nương Diana bị tẩm chất bảo quản một cách vội vã và trái với pháp luật Pháp.

 

Nhật báo Daily Express cho biết nhóm điều tra đã tập trung giải quyết lời tố cáo của ông Mohamed al Fayed, theo đó chất formaldehyde cực mạnh đã được tiêm vào động mạch chỉ hai giờ trước khi xác bà Diana được chở về Anh để làm xét nghiệm. Đây là một việc làm vi phạm rõ rệt luật pháp nước Cộng hòa Pháp. Theo đúng luật, chỉ được tẩm xác để bảo quản sau khi làm đủ các thủ tục xét nghiệm pháp y.

 

Ai tẩm xác?

 

Phía gia đình bà Diana cũng chưa bao giờ yêu cầu các bác sĩ tẩm xác bà Diana vì cuộc hành trình chở xác từ Paris đến nhà xác Anh rất ngắn. Như thế, theo ông Mohamed, dường như có một âm mưu đen tối nào đó nhằm vô hiệu hóa mọi thuốc thử thai với ý đồ che giấu chuyện bà Diana có bầu. Bởi chất formaldehyde không những khiến các kiểu thử thai vô dụng mà còn hủy hoại DNA làm cho việc xác minh ai là cha đứa bé trở nên vô ích. Trong khi đó, xác của Dodi cũng được chở về Anh mà không bị tẩm hóa chất.

 

Người được Lord Stevens thẩm vấn đầu tiên về chuyện trên dĩ nhiên là đại sứ Anh tại Pháp lúc bấy giờ là Sir Michael Jay. Ông này phụ trách việc đưa thi thể công nương Diana từ Bệnh viện La Pitié-Saint Salpêtrière, Paris về Anh. Lord Stevens muốn xem xét vai trò của ông Michael Jay trong vụ án phức tạp này.

 

Tờ báo nói trên dẫn các nguồn tin ở Paris cho biết Sir Michael Jay đã hỏi ý kiến bà Maude Coujard, công tố viên cao cấp nhất ở Paris, về việc tẩm xác. Bà này sau đó đã chỉ thị cho giáo sư Dominique Lecomte, Viện trưởng Viện Pháp y Paris, tiến hành công việc tẩm xác.

 

Nếu đúng như thế thì rõ ràng đã có một sự phối hợp tác chiến giữa các quan chức Anh và Pháp. Vấn đề là có âm mưu đen tối nào trong chuyện này hay không? Mohamed Al Fayed khẳng định là có nhưng xem ra lời khẳng định này đang lung lay. Như đã trình bày trong số báo đầu tiên của loạt bài này, nhóm điều tra của Lord Stevens dường như kết luận rằng công nương Diana không có bầu lúc qua đời.

 

(Còn tiếp)

 

Theo Văn Anh

Người lao động