Tin tặc tấn công mạng của đảng Dân chủ Mỹ
(Dân trí) - Hệ thống máy tính của Ủy ban vận động Quốc hội của đảng Dân chủ (DCCC) đã trở thành nạn nhân tiếp theo của các tin tặc trong một vụ tấn công mạng sau sự cố đột nhập mới xảy ra trước đó nhằm vào một ủy ban khác của đảng này.
Truyền thông Mỹ đưa tin, các tin tặc mới đây đã tìm cách đột nhập vào toàn bộ hệ thống mạng của Ủy ban vận động Quốc hội của đảng Dân chủ (DCCC). Điều này sẽ cho phép các tin tặc tiếp cận với tất cả thông tin thu thập được từ mọi thư điện tử của ủy ban này, từ các thông báo chiến lược nội bộ cho tới các báo cáo nghiên cứu về đảng đối thủ, vốn được dùng để hỗ trợ ứng viên tổng thống đảng Dân chủ trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng.
Sau sự cố trên, DCCC đã đề nghị công ty an ninh mạng CrowStrike điều tra vụ đột nhập hệ thống. “Chúng tôi đang xem xét vấn đề này và tiếp tục có những bước đi cần thiết nhằm nâng cao an ninh của hệ thống mạng lưới. Chúng tôi đang hợp tác với các cơ quan hành pháp của liên bang để hỗ trợ họ điều tra vụ việc này”, DCCC cho biết.
Vụ tấn công DCCC lần này được cho là có liên quan tới vụ tấn công trước đó nhằm vào Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (NDC) khiến nội bộ đảng Dân chủ bị mâu thuẫn nghiêm trọng. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng đã vào cuộc xem xét cuộc tấn công mới nhất nhằm vào DCCC và liên kết hai vụ tấn công của hai ủy ban trong đảng Dân chủ để tìm hiểu nguyên nhân.
Trước đó, hệ thống máy tính của DNC bị đột nhập và bị đánh cắp 20.000 email, trong đó để lộ ra nhiều mâu thuẫn trong nội bộ như việc giới chức đảng đã có những động thái thiên vị bà Hillary Clinton và chống lại Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đối thủ chính của bà Clinton, trong các cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua. Vụ việc này khiến bà Debbie Wasserman Schultz, chủ tịch đảng Dân chủ, tuyên bố từ chức ngay trước đêm khai mạc đại hội đảng.
Cơ quan tình báo Mỹ và một số công ty mạng tư nhân đang nghi ngờ tin tặc Nga đứng sau các vụ tấn công mạng này, cho rằng sự can thiệp của Moscow là để chi phối cuộc bầu cử tại Mỹ và giúp đỡ ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Tuy nhiên, nghi vấn này đến nay vẫn chưa được xác thực.
Thành Đạt
Tổng hợp