1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tín hiệu Mỹ gửi Nga - Trung qua cuộc tập trận hải quân lớn nhất 40 năm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định, việc Mỹ tổ chức cuộc tập trận hải quân lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh được xem là nhằm gửi tín hiệu tới các đối thủ của Washington, trong đó có Nga và Trung Quốc.

Tín hiệu Mỹ gửi Nga - Trung qua cuộc tập trận hải quân lớn nhất 40 năm - 1

Cuộc tập trận bao gồm một cuộc tấn công tên lửa vào tàu khu trục nhỏ đã về hưu USS Ingraham (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Từ ngày 3-16/8, Mỹ đã tổ chức cuộc diễn tập mang tên "Quy mô lớn" (LSE 2021) có sự tham gia của các đơn vị trải đều trên 17 múi giờ. Đây là cuộc tập trận hải quân và đổ bộ lớn nhất trong 40 năm qua mà quân đội Mỹ thực hiện với sự tham gia của 36 chiến hạm, 5 hạm đội, 6 bộ chỉ huy hải quân và thủy quân lục chiến.

LSE 2021 có 25.000 quân nhân tham gia từ các bộ chỉ huy tác chiến trên toàn cầu ở khu vực Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và châu Âu. Quy mô của LSE 2021 được giới quan sát so sánh tương đồng với các đợt diễn tập mà Mỹ từng thực hiện vào thời Chiến tranh Lạnh những năm 1980 nhằm phô diễn năng lực quân sự.

Các đơn vị tham gia diễn tập là những lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ ở các khu vực mà giới chuyên gia đánh giá là các "điểm nóng tiềm tàng" có thể bùng phát căng thẳng giữa Mỹ và các đối thủ là Nga - Trung như Biển Đen, đông Địa Trung Hải, cũng như là biển Hoa Đông và Biển Đông.

Giới quan sát chỉ ra rằng, việc Mỹ tổ chức một cuộc tập trận quy mô "khủng" như vậy vào thời điểm hiện tại nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới đối thủ Nga và Trung Quốc rằng Washington có thể chiến đấu cùng lúc trên nhiều mặt trận và vẫn đảm bảo uy lực quân sự đáng gờm.

"Mặc dù không ai thừa nhận điều đó, nhưng các hành động đã chứng minh nó là đúng", nhà bình luận quân sự ở Macao (Trung Quốc) Antony Wong Tong nhận xét.

Chuyên gia James R. Holmes từ Trường tác chiến hải quân Mỹ, cho rằng Mỹ muốn thông qua LSE để phát đi thông điệp tới các đối thủ rằng Washington có thể xử lý các thách thức ở Biển Đen, Địa Trung Hải, Biển Đông và biển Hoa Đông cùng lúc.

Phó đô đốc Steve Koehler, chỉ huy Hạm đội 3 của Mỹ, cho biết cuộc tập trận cho thấy khả năng đồng bộ hóa và tích hợp các hoạt động quân sự của Mỹ trên toàn cầu.

"Đối với tôi, tôi thấy rõ rằng, trong môi trường an ninh hàng hải ngày nay, Hải quân Mỹ sở hữu lực lượng tấn công chính xác, có tính sát thương và áp đảo về mặt thời gian và không gian mà chúng tôi lựa chọn để đạt được các mục tiêu tác chiến", ông Koehler nói.

Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu từ viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, nhận định rằng, cuộc tập trận của Mỹ thể hiện họ đang chuyển các nỗ lực quân sự từ việc tập trung vào các cuộc chiến quy mô nhỏ chống khủng bố và lực lượng phiến quân trong nhiều năm qua sang các cuộc đối đầu có quy mô lớn hơn với các đối thủ lớn trên thế giới.

"Cuộc tập trận cũng gửi thông điệp tới các đồng minh rằng quân đội Mỹ vẫn là lực lượng không thể thách thức", ông Zhou nói.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho rằng, cuộc tập trận cho thấy, Mỹ đã và đang dàn lực lượng ra khắp trên thế giới.

Tư lệnh Hạm đội 6 của Mỹ Gene Black cho hay, LSE 2021 thử thách các chỉ huy của quân đội Mỹ trong nhiều lĩnh vực tác chiến hải quân, từ chiến thuật đến chiến lược và khả năng tích hợp với lực lượng thủy quân lục chiến nhằm thể hiện năng lực của hạm đội toàn cầu khi triển khai các chiến dịch phối hợp từ đại dương tới vùng duyên hải.