Tìm hiểu thêm về nguyên nhân động đất ở Nam Á
Nhật báo Ý La Republica ngày 10/10 đã đăng giải thích của giáo sư Đại học Milan Roberto Sabadini về nguyên nhân gây ra trận động đất lớn 7,6 độ Richter ở Nam Á (thật ra có thêm hai trận động đất nhỏ hơn xảy ra cùng thời điểm ở Indonesia và Philippines).
Theo ông, nguyên nhân nằm ở mối nối giữa Indostan (phần đất ở Nam Á bao gồm Ấn Độ, Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc, Tây Tạng) với châu Á. Sự xung đối này đã bắt nguồn từ 45 triệu năm trước và tiếp tục tới tận ngày nay.
Chính hiện tượng này đã gây ra những trận động đất lớn trong lịch sử như trận động đất năm 1976 tại Trung Quốc, làm 650.000 người chết.
Theo các nghiên cứu địa chất những thập niên gần đây, Indostan trước khi nhập vào phần châu Á hiện nay đã trôi dạt hơn 5.000km từ nam về phía bắc của Ấn Độ Dương. Sau khi đụng vào châu Á, Indostan không dừng lại mà tiếp tục di chuyển thêm 2.000km nữa.
Sự va chạm đã dẫn tới biến dạng phần vỏ trên của Trái đất, kéo theo sự nổi lên những rặng núi Karakoum, Himalaya và Gindukush.
Sở dĩ có hiện tượng đó là vì trong lòng đại dương có những kẽ nứt. Từ kẽ nứt, dung nham tiết ra để bù vào những phần vật chất đã bị các tầng dịch chuyển lôi đi.
70 triệu năm trước, Indostan nằm ở 7.000km gần hơn về phía Nam cực, nơi đường nứt dưới đại dương đẩy nó về phía bắc. Bị tác động, Indostan di chuyển với tốc độ gần 10cm/năm trong 30 triệu năm đầu tiên và 5cm/năm trong 40 triệu năm tiếp đó.
Do sự trôi dạt vẫn còn tiếp diễn hiện nay nên không chỉ những rặng núi mà cả những đường nứt kéo dài cũng được tạo ra. Từ những đường nứt này, khi năng lượng tích tụ nhiều sẽ phún xuất sinh động đất. Tâm chấn động đất Pakistan vừa qua nằm ở chính những đường nứt này.
Theo Thùy Linh – Duy Văn
Tuổi trẻ/TST, Newsru