1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

TikTok phản pháo lệnh cấm của Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Giám đốc điều hành TikTok tuyên bố sẽ đấu tranh trước tòa để lật ngược một đạo luật mới có thể khiến ứng dụng phổ biến này bị cấm tại Mỹ.

TikTok phản pháo lệnh cấm của Mỹ - 1

Giám đốc điều hành (CEO) Tiktok Shou Zi Chew (Ảnh: Los Angeles Times)

"Hãy yên tâm, chúng tôi sẽ không đi đâu cả", ông Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành (CEO) Tiktok, nói trong đoạn video được đăng trên TikTok hôm 24/4.

Tuyên bố của ông Chew được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật liên quan tới ứng dụng chia sẻ video TikTok.

Dự luật đã được Thượng viện thông qua với số phiếu 79-18, 3 ngày sau khi Hạ viện thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của các bạn tại tòa án. Sự thật và Hiến pháp đứng về phía chúng tôi", ông Chew nói thêm.

Đạo luật của Mỹ cho TikTok 9 tháng để thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc hoặc bị loại khỏi thị trường Mỹ. Theo đạo luật, ByteDance sẽ phải bán ứng dụng hoặc bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google tại Mỹ.

Mỹ và các quan chức phương Tây khác cáo buộc nền tảng truyền thông xã hội này cho phép Trung Quốc thu thập dữ liệu và theo dõi người dùng. TikTok có 170 triệu người dùng chỉ riêng ở Mỹ, trong đó có nhiều người trẻ.

Trước cuộc bỏ phiếu về dự luật tại Quốc hội Mỹ, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray nói rằng công ty mẹ ByteDance của TikTok có liên quan tới "chính phủ Trung Quốc" và đang "cố gắng đánh cắp (trí tuệ nhân tạo) AI của chúng tôi và tấn công công nghệ Mỹ mỗi ngày".

TikTok trong nhiều năm đã nằm trong "tầm ngắm" của chính quyền Mỹ. Washington cho rằng nền tảng này cho phép Bắc Kinh theo dõi người dùng ở Mỹ. Cả TikTok và ByteDance đều bác bỏ cáo buộc này.

Giám đốc điều hành TikTok cho biết việc cấm TikTok ở Mỹ sẽ gây nguy hiểm cho sinh kế của hàng trăm nghìn người Mỹ, đồng thời cho rằng hơn 7 triệu doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ phụ thuộc vào nền tảng này. Ông Chew cũng cam kết rằng TikTok sẽ thực hiện "các quyền hợp pháp" để ngăn chặn lệnh cấm và yêu cầu 170 triệu người dùng ở Mỹ ủng hộ nỗ lực của công ty.

Trong lời khai trước Quốc hội Mỹ năm ngoái, ông Chew khẳng định TikTok "chưa bao giờ chia sẻ hoặc nhận được yêu cầu chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc" và nếu trong trường hợp được yêu cầu như vậy, TikTok cũng sẽ không chia sẻ dữ liệu.

Ông Chew nhấn mạnh, TikTok trong những năm qua đã xây dựng một "bức tường lửa" để bảo vệ dữ liệu người dùng Mỹ trước nguy cơ bị nước ngoài tiếp cận trái phép. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cáo buộc Washington có "hành vi bắt nạt" và "tận dụng quyền lực nhà nước" chống lại ByteDance. Ông Uông cũng cảnh báo lệnh cấm được đề xuất "chắc chắn sẽ quay trở lại gây tổn hại cho Mỹ" vì nó sẽ làm tổn hại đến niềm tin của các nhà đầu tư vào Mỹ.

Ngoài Mỹ, giới chức nhiều nước phương Tây cũng lo ngại rằng TikTok khiến dữ liệu người dùng có thể bị rò rỉ và đe dọa đến lợi ích an ninh của họ. Một số nước đã triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát ứng dụng chia sẻ video này.

Theo AFP