Trung Quốc phản bác dự luật có thể cấm TikTok tại Mỹ
(Dân trí) - Trung Quốc đã chỉ trích nỗ lực nhằm cấm nền tảng mạng xã hội TikTok phổ biến ở Mỹ, cho rằng điều này sẽ vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế.
"Dự luật này đi ngược lại các nguyên tắc cạnh tranh công bằng cũng như các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 14/3.
Ông Uông nói thêm rằng "nếu cái gọi là lý do an ninh quốc gia có thể được sử dụng để tùy tiện gây sức ép với các công ty vượt trội của các quốc gia khác, thì không có sự công bằng và chính đáng chút nào".
Bình luận của quan chức Trung Quốc được đưa ra sau khi Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ áp đảo dự luật buộc TikTok phải thoái vốn khỏi chủ sở hữu Trung Quốc, nếu không nền tảng này sẽ bị cấm hoạt động ở Mỹ. Dự luật mô tả TikTok là "mối đe dọa an ninh quốc gia".
Dự luật, có tên là "Luật Bảo vệ người dân Mỹ khỏi ứng dụng do quốc gia đối thủ kiểm soát", yêu cầu công ty mẹ ByteDance của TikTok phải bán ứng dụng này trong vòng 180 ngày, nếu không nó sẽ bị cấm khỏi các cửa hàng ứng dụng Apple và Google ở Mỹ.
Luật cũng trao cho Tổng thống Mỹ quyền chỉ định các ứng dụng khác là mối đe dọa an ninh quốc gia nếu chúng nằm dưới sự kiểm soát của một nước được coi là đối thủ của Mỹ.
Đạo luật này có nguy cơ trở thành bước lùi lớn đối với TikTok, nền tảng chia sẻ video phổ biến toàn thế giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cáo buộc Washington có "hành vi bắt nạt" và "tận dụng quyền lực nhà nước" chống lại ByteDance. Trước cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ, ông Uông cũng cảnh báo lệnh cấm được đề xuất "chắc chắn sẽ quay trở lại gây tổn hại cho Mỹ" vì nó sẽ làm tổn hại đến niềm tin của các nhà đầu tư vào Mỹ.
Giám đốc điều hành TikTok Shou Chew cho biết việc cấm TikTok ở Mỹ sẽ gây nguy hiểm cho sinh kế của hàng trăm nghìn người Mỹ, đồng thời cho rằng hơn 7 triệu doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ phụ thuộc vào nền tảng này. Ông Chew cũng cam kết rằng TikTok sẽ thực hiện "các quyền hợp pháp" để ngăn chặn lệnh cấm và yêu cầu 170 triệu người dùng ở Mỹ ủng hộ nỗ lực của công ty.
Trong lời khai trước Quốc hội Mỹ năm ngoái, ông Chew khẳng định TikTok "chưa bao giờ chia sẻ hoặc nhận được yêu cầu chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc" và nếu trong trường hợp được yêu cầu như vậy, TikTok cũng sẽ không chia sẻ dữ liệu.
Ông Chew nhấn mạnh, TikTok trong những năm qua đã xây dựng một "bức tường lửa" để bảo vệ dữ liệu người dùng Mỹ trước nguy cơ bị nước ngoài tiếp cận trái phép.
Ngoài Mỹ, giới chức nhiều nước phương Tây cũng lo ngại rằng TikTok khiến dữ liệu người dùng có thể bị rò rỉ và đe dọa đến lợi ích an ninh của họ. Một số nước đã triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát ứng dụng chia sẻ video này.