1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tiết lộ "sốc" về chiếc máy bay Lion Air chở 189 người rơi xuống biển Indonesia

(Dân trí) - Trước khi gặp nạn sáng 29/10, máy bay Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Lion Air đã trục trặc với hệ thống hiển thị tốc độ từ 4 chuyến bay trước, các nhà điều tra phân tích dữ liệu trích xuất từ hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay cho biết hôm nay 5/11.

Mảnh vỡ máy bay Lion Air chở 189 người nằm la liệt dưới đáy biển Indonesia


Chuyên gia cho rằng, máy bay vẫn nguyên vẹn trước khi lao xuống biển. (Ảnh: Getty)

Chuyên gia cho rằng, máy bay vẫn nguyên vẹn trước khi lao xuống biển. (Ảnh: Getty)

Đồng hồ hiển thị tốc độ hỏng từ các chuyến bay trước

Theo Wall Street Journal, ông Soerjanto Tjahjono, người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Indonesia, cho biết các nhà điều tra đã đi đến kết luận sau khi phân tích dữ liệu trích xuất từ hộp đen của máy bay Lion Air mang số hiệu chuyến bay JT610. Đây là hộp đen mà các thợ lặn đã trục vớt được từ ngày 1/11 và đến hôm qua 4/11 các chuyên gia đã tải thành công 69 giờ dữ liệu từ hộp đen.

Ông Tjahjono cho biết thêm, phía Indonesia đã đề nghị Boeing và giới chức Mỹ cần vào cuộc để ngăn chặn các vấn đề tương tự trên loại máy bay này trên khắp thế giới. "Chúng tôi đã thảo luận các chi tiết điều tra liên quan đến đồng hồ hiển thị tốc độ của máy bay với Cơ quan An toàn Giao thông quốc gia Mỹ và Boeing", ông Tjahjono nói.

Hiện chưa rõ đây là vấn đề bắt nguồn từ lỗi kỹ thuật hay từ vấn đề bảo dưỡng. "Chúng tôi hiện chưa rõ vấn đề nằm ở đâu, công tác khắc phục đã được tiến hành như thế nào hay linh kiện nào bị thiếu. Điều mà chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu đó là: hỏng hóc đó thực sự là gì và khắc phục như thế nào", Nurcahyo Utomo, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, nói.

Máy bay Boeing 737 Max 8 mang số hiệu chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air chở 189 người rơi xuống vùng biển Java không lâu sau khi cất cánh từ sân bay ở Jakarta sáng 29/10.

BBC dẫn bản ghi lịch sử kỹ thuật của máy bay này cho thấy, máy bay JT610 đã gặp trục trặc với hệ thống hiển thị tốc độ và tọa độ từ chuyến bay tối 28/10. Tuy nhiên, đại diện của Lion Air khẳng định, trục trặc này đã được khắc phục và máy bay vẫn có thể cất cánh vào sáng hôm sau.

Không có dấu hiệu nổ trên không

Dựa vào phân tích các mảnh vỡ máy bay đã trục vớt được, các nhà điều tra cho rằng, máy bay vẫn còn nguyên vẹn và động cơ vẫn chạy khi nó lao xuống biển Java sáng 29/10. Ông Tjahjono nói, dựa vào kích thước các mảnh vỡ máy bay, các nhà điều tra cho rằng máy bay JT610 không có dấu hiệu nổ từ trên không trung, mà vẫn còn nguyên vẹn trước khi lao xuống biển.

Theo dữ liệu của Flightradar24, máy bay dường như gặp sự cố sau khi đạt đến độ cao 610m vài phút sau cất cánh. Sau khi bị hạ độ cao đột ngột, máy bay lấy lại độ cao khoảng 1.524m. Dữ liệu cuối cùng trước khi chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar cho thấy nó ở độ cao 1.113m và tốc độ khoảng 640km/h.

Đến nay, nguyên nhân vụ rơi máy bay JT610 vẫn là một bí ẩn trong khi lực lượng tìm kiếm tiếp tục chạy đua với thời gian để định vị hộp đen còn lại ghi âm buồng lái máy bay. Giới chức Indonesia cho biết, hộp đen này đã ngừng phát tín hiệu “ping” từ cuối tuần qua, điều này gây thêm trở ngại cho quá trình tìm kiếm.

Minh Phương

Theo Channel News Asia