1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tiết lộ chuyện Triều Tiên âm thầm nhận viện trợ của Mỹ

(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng đe dọa “xóa xổ toàn bộ lãnh thổ Mỹ” bằng một cuộc tấn công hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng cũng âm thầm nhận viện trợ từ một tổ chức phi chính phủ của Mỹ để đối phó với dịch lao đang bùng phát tại Triều Tiên, báo chí Anh tiết lộ.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một cuộc thị sát quân sự (Ảnh: Reuters)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một cuộc thị sát quân sự (Ảnh: Reuters)

Tờ Telegraph đưa tin, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã vào Triều Tiên để trợ giúp nước này, bất chấp những lời đe dọa của Bình Nhưỡng nhằm “thiêu cháy Manhattan thành tro bụi” và “xóa xổ toàn bộ lãnh thổ Mỹ” bằng một cuộc tấn công hạt nhân.

Tổ chức Eugene Bell chuyên về đối phó vi khuẩn lao kháng nhiều loại thuốc (MDR-TB), một chủng vi khuẩn Lao không phản ứng với các loại thuốc thông dụng, đã chuyển lô thuốc viện trợ đầu tiên tới Triều Tiên kể từ khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 4 hồi tháng 1.

Và bất chấp những lời đe dọa của Triều Tiên đối với Mỹ, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington cho hay họ không gặp trở ngại nào trong quá trình vận chuyển thuốc.

“Bất chấp những căng thẳng đang tiếp diễn trên bán đảo Triều Tiên năm nay, chúng tôi vui mừng thông báo rằng lô thuốc và thiết bị y tế phục vụ chương trình điều trị MDR-TB đã tới Triều Tiên”, các nhân viên viện trợ cho biết trong một “thông báo đặc biệt” mà Telegraph được xem.

“Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt tới tất cả những ai đã trợ giúp quá trình này”, tuyên bố nói thêm.

Mặc dù bệnh lao hầu như đã xóa sổ tại các nước phát triển nhưng nó vẫn là một mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng đối với người dân tại Triều Tiên, nơi một loại vi rút kháng thuốc đã xuất hiện.

Khoảng 5/% dân số Triều Tiên đã bị mắc bệnh lao. Một báo cáo năm 2010 của tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng nguyên nhân khiến nhiều người Triều Tiên mắc bệnh là do sự suy giảm về sức khỏe và dinh dưỡng cũng như sự yếu kém của các dịch vụ y tế công. Giới chức Triều Tiên đã gọi đại dịch là “tình trạng khẩn cấp y tế lớn nhất” và căn bệnh được cho là đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người trong năm ngoái.

Việc điều trị căn bệnh được gọi là “siêu lao” tại Triều Tiên hiện chỉ được điều trị thông qua Eugene Bell. Tổ chức này hiện có 12 trung tâm y tế ở Triều Tiên nhưng chỉ có đủ thuốc cho tới tháng 4 năm nay.

Tiến sĩ Stephen Linton, người sáng lập Eugene Bell Foundation, cho biết tổ chức của ông cảm thấy phải vào cuộc sau khi Hàn Quốc cắt viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên hồi tháng 1 năm nay.

“Nếu không làm gì nhanh chóng, các bệnh nhân sẽ không được điều trị và chết”, ông Linton nói.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm