1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tiết lộ chi tiết hỏng hóc của tàu ngầm hạt nhân Mỹ gặp sự cố ở Biển Đông

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các nguồn tin trong quân đội Mỹ tiết lộ bộ phận bị hỏng trên tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut, nhưng Washington chưa thể xác định được vật thể mà nó đã đâm phải Biển Đông.

Tiết lộ chi tiết hỏng hóc của tàu ngầm hạt nhân Mỹ gặp sự cố ở Biển Đông - 1

Tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân USS Connecticut (Ảnh: Quân đội Mỹ).

USNI News dẫn 2 nguồn tin từ quan chức quốc phòng Mỹ đưa tin, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut đã bị hỏng bể dằn trong vụ va chạm với vật thể lạ ở Biển Đông hồi đầu tháng. Vì bộ phận này bị hỏng nên con tàu buộc phải di chuyển về Guam trong tình trạng nổi lên mặt nước trong suốt một tuần, các nguồn tin cho biết.

Bể dằn là một khoang bên trong thuyền, tàu hoặc các cấu trúc nổi khác. Để tàu ngầm có thể lặn, các van trên bể dằn sẽ được mở ra giúp nước biển tràn vào và đẩy không khí ra giúp cả cấu trúc chìm xuống. Ngược lại, để tàu ngầm nổi lên, khí nén sẽ được sử dụng để đẩy nước khỏi bể dằn.

Vào ngày 2/10, tàu USS Connecticut đã đâm phải một vật thể ở Biển Đông. Bốn nguồn tin nói với USNI News rằng, tới nay hải quân Mỹ vẫn chưa thể xác định chính xác được vật thể mà con tàu đã đâm phải. Trong khi đó, các hoạt động đánh giá sửa chữa con tàu cũng như cuộc điều tra về nguyên nhân sự cố vẫn đang được tiến hành.

Trước đó, 2 quan chức quốc phòng Mỹ nói với USNI News rằng, có khả năng USS Connecticut đã đâm phải đá ngầm ở Biển Đông, nhưng các điều tra viên tới nay vẫn chưa xác nhận việc này.

Hải quân Mỹ cho biết con tàu bị hỏng phần mũi, nhưng vụ va chạm không ảnh hưởng tới lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho tàu chạy. Các hình ảnh vệ tinh chụp con tàu ở Guam cũng cho thấy nó không bị nát phần mũi như các vụ va chạm của một số tàu ngầm trước đó.

Trong khi Mỹ vẫn đang điều tra về vụ việc, phía Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ che giấu các thông tin chi tiết về vụ việc.

Hôm 12/10, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby đã bác bỏ cáo buộc trên. "Đó hẳn là một cách che đậy kỳ lạ khi chúng tôi còn phát đi cả thông cáo báo chí về vụ việc đó", ông Kirby nói trong buổi họp báo khi được hỏi về cáo buộc từ phía Trung Quốc.

Hải quân Mỹ chỉ có 3 tàu lớp Seawolf và các tàu này rất quan trọng với Mỹ nên họ dường như sẽ tập trung sửa chữa con tàu gặp sự cố càng nhanh càng tốt.

Connecticut được ước tính có chi phí đóng lên tới 8,5 tỷ USD vào thời điểm hiện tại và được xem là biểu tượng cho năng lực tấn công dưới lòng đại dương của hải quân Mỹ.

USS Connecticut dài 108 m, rộng hơn 12 m và có trọng tải 9.284 tấn dưới lòng nước. Nhờ chạy bằng lò phản ứng hạt nhân, tàu này có thể di chuyển với tốc độ trên 25 hải lý mỗi giờ (46,3 km/h).