1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Điểm mù" có thể đã khiến tàu ngầm hạt nhân Mỹ va chạm ở Biển Đông

Minh Phương

(Dân trí) - Giới chuyên gia đưa ra những giả thuyết khác nhau về nguyên nhân khiến tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Hải quân Mỹ va chạm với vật thể chưa xác định khi đang hoạt động ở Biển Đông đầu tháng này.

Điểm mù có thể đã khiến tàu ngầm hạt nhân Mỹ va chạm ở Biển Đông - 1

Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Hải quân Mỹ va chạm vật thể lạ ở Biển Đông hôm 2/10 (Ảnh: USN).

Hải quân Mỹ tuần trước thông báo, tàu ngầm lớp Seawolf chạy bằng năng lượng hạt nhân của họ đã va chạm với một vật thể chưa xác định khi đang hoạt động ở vùng biển quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ không nêu cụ thể địa điểm xảy ra vụ va chạm nhưng nguồn tin giấu tên của Mỹ nói rằng vị trí va chạm tại Biển Đông.

Vụ va chạm khiến 11 thủy thủ trên tàu bị thương nhẹ và giới chức năng của Mỹ đang tiếp tục đánh giá thiệt hại và làm sáng tỏ vụ việc.

Hiện chưa rõ tàu USS Connecticut va chạm với vật thể gì, nhưng vụ việc làm dấy lên thắc mắc vì sao nó vẫn xảy ra với một tàu ngầm hiện đại trị giá hàng tỷ USD.

Những "điểm mù"

Aaron Amick, cựu chuyên viên định vị thủy âm (sonar) với 20 năm kinh nghiệm trong lực lượng tàu ngầm Mỹ, cho rằng có thể có những điểm mù mà con tàu không thể phát hiện chướng ngại vật trên đường đi.

Ông Amick cho biết, có hai phương pháp thường sử dụng để đảm bảo an toàn cho tàu ngầm khi di chuyển dưới nước là sử dụng hải đồ chi tiết và triển khai cảm biến (sonar) chủ động tần số cao. Việc truyền tín hiệu sonar chủ động thường được dùng để kiểm tra độ sâu. Các tín hiệu sonar chủ động được phát đi từ các cụm cảm biến ở mũi và mạn tàu. Các sonar tần số cao, tầm ngắn giúp con tàu phát hiện chướng ngại vật gần đường di chuyển. Những vật thể như thủy lôi, núi đá, tàu ngầm đối phương sẽ dễ dàng bị phát hiện nhờ hệ thống này.

Điểm mù có thể đã khiến tàu ngầm hạt nhân Mỹ va chạm ở Biển Đông - 2

Nhóm thủy thủ vận hành hệ thống cảm biến trên một tàu ngầm của Mỹ (Ảnh minh họa: US Navy).

Tuy vậy, các sonar chủ động có nhược điểm là khiến tàu ngầm dễ bị đối phương phát hiện từ khoảng cách gấp đôi tầm theo dõi của tàu. Ông Amick nói: "Sonar tần số cao, độ phân giải lớn có thể phát hiện chướng ngại vật trong vòng bán kính 5 km, nhưng lại có thể bị đối phương phát hiện từ khoảng cách 10 km hoặc xa hơn tùy vào điều kiện môi trường xung quanh.

Do nhược điểm này, cảm biến chủ động ít được sử dụng. Thay vào đó, các tàu có xu hướng sử dụng hải đồ kết hợp với phát tín hiệu sonar chủ động để đối chiếu độ sâu.

"Hải quân Mỹ sở hữu những hải đồ chính xác nhất thế giới dạng kỹ thuật số có thể cập nhật thường xuyên và được hỗ trợ bằng hải đồ giấy. Tuy nhiên, những hải đồ này không phải lúc nào cũng khớp với khu vực xung quanh tàu ngầm. Hải đồ kỹ thuật số vẫn có những điểm mù, nơi có những chướng ngại vật có thể gây ra va chạm với tàu ngầm".

Theo chuyên gia Amick, nguy cơ va chạm tàu ngầm ở Biển Đông cao hơn so với các vùng biển khác trên thế giới do đây là vùng biển nhộn nhịp hoạt động của nhiều loại tàu khác nhau, trong đó có tàu ngầm. Điều này làm giảm hiệu quả của các sonar chủ động.

Ngoài ra, do hoạt động địa chất diễn ra thường xuyên, đáy biển liên tục thay đổi, Biển Đông là khu vực gây nhiều khó khăn cho tàu ngầm. Một số khu vực rất sâu, nhưng khu vực lân cận lại rất nông và xuất hiện những cấu trúc gần như dựng đứng.