1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên có thể kéo dài 15 năm

(Dân trí) - Mặc dù mục tiêu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hướng đến là nhanh chóng phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng giới quan sát cho rằng với tình hình hiện tại và trong tương lai, tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân có thể sẽ kéo dài tới 15 năm.

Tên lửa Triều Tiên trong một lễ duyệt binh (Ảnh: Reuters)
Tên lửa Triều Tiên trong một lễ duyệt binh (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc phỏng vấn với New York Times, chuyên gia Siegfried S. Hecker, giáo sư đại học Standford (Mỹ), đã công bố bản báo cáo với sự hỗ trợ của 2 đồng sự, trong đó ước tính thời gian giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể kéo dài tới 15 năm.

Khoảng thời gian ước tính này hoàn toàn trái ngược với mục đích “phi hạt nhân hóa nhanh chóng” của chính quyền ông Trump. Đây có thể sẽ là trở ngại to lớn trong quá trình đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên giữa 2 bên.

Ông Hecker từng giữ chức giám đốc phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos ở New Mexico, nơi khai sinh ra bom nguyên tử, từ năm 1986 đến 1997. Ông Hecker là người được Triều Tiên cho phép tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng nhiều lần. Ông cũng là nhà khoa học duy nhất của Mỹ được tham quan cơ sở làm giàu uranium của Triều Tiên, nguyên liệu cấu thành bom hạt nhân.

Trong bài phỏng vấn với New York Times, ông Hecker hoài nghi rằng kế hoạch phi hạt nhân hóa Triều Tiên do chính quyền ông Trump đề xuất dường như khá “mơ hồ” so với tình hình thực tế ở Bình Nhưỡng.

“Chúng ta đang nói về hàng chục địa điểm thử nghiệm hạt nhân, hàng trăm tòa nhà, hàng nghìn con người”, ông Hecker giải thích.

Ông Hecker cũng cho rằng chính quyền ông Trump cần phân định rõ ràng khái niệm phi hạt nhân hóa do yêu cầu ban đầu của Mỹ là Triều Tiên phải dừng toàn bộ hoạt động làm giàu uranium, nguyên liệu chế tạo bom nguyên tử. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn tạo nên nguồn điện tiêu dùng cho đất nước Triều Tiên. Ông Hecker cho rằng việc phân định rạch ròi giữa hoạt động hạt nhân vì mục đích quân sự và dân sự nên là vấn đề cân nhắc kỹ lưỡng, vì điều này có thể là một trong những nhân tố "nút thắt" trong quá trình đàm phán giữa các bên liên quan.

Ông Hecker cũng cho biết quá trình khử nhiễm và dừng hoạt động của một nhà máy xử lý nguyên liệu phóng xạ ở Triều Tiên có thể phải tốn không dưới 10 năm để hoàn thành. Nhà khoa học này cũng cho biết ước tính 15 năm của ông bao gồm cả những tính toán dựa vào tình hình thực thế giữa Mỹ và Triều Tiên hiện tại cũng như những vấn đề kỹ thuật và chính trị 2 nước có thể đối mặt trong tương lai. Những yếu tố này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ông Hecker nhận định thêm rằng để quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân diễn ra an toàn, phương án tốt nhất là những kỹ sư đã chế tạo ra các vũ khí và các cơ sở hạt nhân này nên là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khử nhiễm hay tiêu hủy.

Ngoài ra đội ngũ chuyên gia cũng kêu gọi Triều Tiên tham gia vào các hiệp ước toàn cầu nhằm ngăn chặn hoạt động tạo ra vũ khí hạt nhân và các phương tiện dùng để chế tạo các vũ khí này.

Hiện Mỹ đã cử 2 phái đoàn tới Singapore và Triều Tiên để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ngày 24/5, ông Trum đã gửi thư cho Bình Nhưỡng thông báo hủy cuộc gặp mặt. Tuy nhiên, 2 bên Mỹ và Triều Tiên dường như đang có những động thái tích cực thể hiện thiện chí muốn nối lại hội nghị.

Phái đoàn Mỹ đến Singapore tiền trạm cơ sở vật chất nhằm chuẩn bị cho kịch bản Hội nghị có thể xảy ra vào ngày 12/6 theo dự kiến ban đầu hoặc muộn hơn. Trong khi đó, phái đoàn đến khu phi quân sự ở biên giới liên Triều đang bàn về những hạng mục có thể được bàn tới nếu hội nghị được khởi động lại. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ hiện tại chưa tiết lộ chi tiết về những cuộc gặp mặt này.

Đức Hoàng

Theo Straits Times