1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tiền đồ tươi sáng

Ngày 22-11-2015 chắc chắn được đánh dấu, khoanh tròn trong dòng lịch sử của ASEAN, bởi đó chính là ngày Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 đã được lãnh đạo 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á hạ bút ký tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.

Với tấm “giấy khai sinh” này, một tiền đồ tươi sáng đang mở ra với mỗi quốc gia thành viên ASEAN cũng như cả khu vực.

Việc tuyên bố chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015 là kết quả của quá trình nỗ lực và phấn đấu không ngừng nghỉ của ASEAN. Nhìn lại chặng đường ASEAN đã vượt qua trong suốt gần nửa thế kỷ qua mới thấy rõ hết tầm vóc của thành tựu này.

Trong khoảng thời gian 50 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Đông Nam Á luôn chìm trong thù địch và nghi kỵ. Khu vực này chứa chất đầy những xung khắc cao độ của đời sống chính trị quốc tế, của cuộc Chiến tranh Lạnh Đông-Tây, đưa đến việc chia cắt Đông Nam Á thành hai nhóm nước đối lập.

Đến thập niên 1990, tình hình thế giới chuyển biến mạnh, các nước Đông Nam Á nhận diện rõ nguy cơ nếu không có hòa bình và ổn định, không kiến tạo niềm tin thì khu vực tiếp tục sẽ là vùng trũng phát triển, mãi là “người đi sau”.

Chính việc muốn tránh thế bất ổn, thế đối đầu và tránh bị lợi dụng khiến các nước Đông Nam Á quyết tâm đoàn kết xây dựng ASEAN vững mạnh gồm đủ 10 thành viên để tạo sức bật cho chính từng quốc gia. Với tầm nhìn chiến lược vì lợi ích sống còn này, mỗi thành viên ASEAN đã gặt hái được không ít trái ngọt và góp sức tạo dựng được hình ảnh một khu vực năng động, cởi mở và giàu tiềm năng.

Tiền đồ tươi sáng - 1

ASEAN hôm nay không đơn thuần chỉ là thương trường nhiều cơ hội mà còn là một thực thể chính trị đầy sức nặng trên sân chơi toàn cầu. Từ một hiệp hội hợp tác lỏng lẻo, một thực thể chưa có tiếng nói trọng lượng, ASEAN đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một cộng đồng đoàn kết, liên kết sâu rộng, đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và là một đối tác không thể thiếu của các nước lớn và tổ chức khu vực khác.

Tuy bao gồm những nước nhỏ và vừa nhưng do có vị trí địa chiến lược quan trọng nên ASEAN có quan hệ rộng rãi với nhiều nước, đặc biệt là các cường quốc. Các nguyên tắc của ASEAN như không can thiệp vào công việc nội bộ, phản đối việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ.

Việc lãnh đạo các quốc gia ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 là một cột mốc lịch sử. Tuy nhiên, được định hình bởi tư duy “luôn nỗ lực làm mới mình”, ASEAN biết rằng không thể thỏa mãn với thành tựu đã đạt được dù thành tựu đó lớn đến mức nào.

Chính vì vậy, tại Kuala Lumpur, các nhà lãnh đạo cũng đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, vạch rõ những mục tiêu cần hướng tới trong tương lai. ASEAN được xác định sẽ là một cộng đồng dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, nơi người dân được hưởng các quyền con người và tự do cơ bản với chất lượng cuộc sống cao hơn cùng các lợi ích mà tiến trình xây dựng cộng đồng mang lại.

Cộng đồng ASEAN là cộng đồng vì người dân. Có lẽ đối với mỗi người dân, mong mỏi trước tiên là được bảo đảm tự do mưu cầu hạnh phúc trong một đất nước an ninh, an toàn và thượng tôn  pháp luật. Ở tầm mức cao hơn là một quốc gia, một khu vực thì nhu cầu lớn nhất là có được một môi trường hòa bình, ổn định trên nền tảng luật pháp quốc tế được nghiêm túc thực thi, để phát triển.

Người ta đã có thể nhận thấy rõ tương lai xán lạn của Cộng đồng ASEAN, nhưng tiến đến tương lai đó không phải là không đòi hỏi những nỗ lực chung để vượt qua các thách thức.

Giống như bất kỳ nơi nào trên thế giới, Đông Nam Á cũng tiềm ẩn những thách thức an ninh mà có thể cuốn cả khu vực vào vòng xoáy bất ổn, không những phương hại cả Cộng đồng ASEAN mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng  tới lợi ích toàn cầu, ví dụ như vấn đề Biển Đông.

Nhận thức rõ trách nhiệm với khu vực và cộng đồng quốc tế, trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ hiện thực hóa một khu vực giải quyết các tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực và áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình, trong khi tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và thúc đẩy các hoạt động ngoại giao phòng ngừa và các sáng kiến giải quyết xung đột.

Cộng đồng ASEAN cũng sẽ tăng cường an ninh hàng hải và hợp tác hàng hải vì hòa bình và ổn định ở trong và ngoài khu vực, thông qua các cơ chế của ASEAN, do ASEAN dẫn dắt và áp dụng các nguyên tắc và công ước về hàng hải được quốc tế công nhận.

Việc các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 và Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước đã đưa ASEAN sang một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn của mỗi quốc gia thành viên. Hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực, đồng lòng gắn kết là yêu cầu tất yếu để hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Theo Bảo Trung

Quân đội nhân dân

Tiền đồ tươi sáng - 2