Tiềm lực quân sự có thể tiếp lửa cho Israel "tấn công phủ đầu" Iran
(Dân trí) - Lực lượng Phòng vệ Israel hiện gồm 3 nhánh quân, được trang bị nhiều vũ khí và trang thiết bị hiện đại, có khả năng đáp trả đối phương mạnh mẽ.
Times of Israel đưa tin, cuối tuần qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã triệu tập cuộc họp với các quan chức quốc phòng nước này, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, Tham mưu trưởng quân đội Herzi Halevi, người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad David Barnea và người đứng đầu cơ quan an ninh Ronen Bar.
Tại cuộc họp, giới chức Israel đã thảo luận một loạt phương án liên quan đến Iran. Theo đó, Israel sẽ cân nhắc tấn công phủ đầu nhằm răn đe Iran. Các quan chức an ninh nhấn mạnh, động thái như vậy sẽ chỉ được phép nếu Israel nhận được thông tin tình báo rõ ràng xác nhận Tehran và các lực lượng ủy nhiệm chuẩn bị tấn công nhằm vào Israel.
Động thái này khiến nhiều người tin rằng Israel sắp mở một chiến dịch tấn công phủ đầu vào Iran. Tiềm lực quân sự Israel đã nâng cấp đáng kể trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ từ Mỹ.
Quân đội Israel, hay còn gọi là Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), được thành lập vào ngày 31/5/1948, chỉ hai tuần sau khi Israel tuyên bố độc lập.
IDF được coi là một trong 5 lực lượng mạnh nhất ở Trung Đông kể từ khi đất nước này thành lập vào năm 1948. Sau đó, Israel đã trải qua hơn 10 cuộc chiến tranh lớn, bắt đầu từ Chiến tranh Ả Rập - Israel lần thứ nhất vào năm 1948-1949.
Yếu tố chính trong học thuyết quân sự của IDF là Israel không thể thua dù chỉ một cuộc chiến. Mục tiêu này đạt được thông qua chiến lược phòng thủ, trong đó quy định việc huy động nhanh chóng lực lượng áp đảo để đối phó với địch thủ.
Ba nhánh quân của Israel
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính ngân sách quốc phòng Israel là 23,4 tỷ USD vào năm 2022 (bao gồm 3,18 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm của Mỹ).
IDF có 3 nhánh quân, gồm lục quân, không quân, hải quân, và 4 bộ chỉ huy riêng biệt. Người đứng đầu IDF là Tổng tham mưu trưởng Israel. Tuy nhiên, vị trí này vẫn dưới quyền Bộ trưởng Quốc phòng.
Các chỉ huy lực lượng lục quân, không quân, hải quân sẽ báo cáo với tổng tham mưu trưởng, cũng như các chỉ huy khu vực và người đứng đầu các ban lãnh đạo quốc phòng khác nhau, bao gồm Cơ quan Tình báo.
Theo các nguồn tin mở, lực lượng thường trực của IDF gồm khoảng 176.500 binh sĩ.
Israel sở hữu một trong những tổ hợp công nghiệp - quốc phòng lớn nhất, đa dạng nhất và có lợi nhuận cao nhất trên thế giới. Nước này sản xuất một loạt máy bay nội địa và máy bay chuyển đổi, máy bay không người lái, tên lửa, radar, hệ thống tác chiến điện tử và thậm chí cả vệ tinh.
Về lục quân Israel, bao gồm các đơn vị bộ binh, thiết giáp và pháo binh, gồm khoảng 126.000 binh sĩ thường trực và khoảng 400.000 người dự bị.
Lực lượng này đã tham gia tất cả các chiến dịch lớn của Israel, trong đó có Chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1948, Khủng hoảng Suez năm 1956 và Chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Họ cũng tham gia vào cuộc xung đột vũ trang Hamas - Israel hiện tại.
Lực lượng lục quân Israel sử dụng một số khí tài được phát triển trong nước, như xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava, xe bọc thép Acchzarit và hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Sắt).
Về không quân Israel (IAF), lực lượng này có khoảng 34.000 binh sĩ thường trực, cùng với 55.000 quân dự bị. Tổng cộng có 684 máy bay đang được sử dụng.
Tương tự lực lượng lục quân, IAF đã tham gia nhiều hoạt động tác chiến.
Kể từ Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, hầu hết các máy bay chiến đấu của IDF đều được nhận từ Mỹ, bao gồm A-4 Skyhawk, F-4 Phantom II, F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon và F-35 Lightning II.
Về hải quân Israel, lực lượng bao gồm khoảng 9.500 binh sĩ thường trực và 10.000 người dự bị.
Lực lượng này có 7 tàu hộ tống, 8 tàu tên lửa, 5 tàu ngầm (lớp Dolphin), 45 tàu tuần tra và 2 tàu hỗ trợ.
Các hoạt động chiến đấu lớn mà Hải quân Israel tham gia bao gồm Chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1973, Trận Baltim năm 1973 và Chiến tranh Li Băng năm 2006.
Vũ khí của Israel
Các loại vũ khí chủ yếu trong nước do Israel tự chế tạo bao gồm hệ thống phòng không Vòm sắt, tên lửa Arrow và loạt tên lửa có khả năng hạt nhân Jericho. Các loại vũ khí nhỏ sản xuất trong nước như súng lục Desert Eagle, súng máy hạng nhẹ Negev và súng tiểu liên Uzi, và xe tăng Merkava.
Vòm sắt là hệ thống phòng không nổi tiếng nhất. Đây là một hệ thống tầm ngắn đã đánh chặn hàng nghìn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) do Hamas và Hezbollah, hai nhóm vũ trang có liên kết với Iran, bắn trong vài năm qua.
Theo nhà sản xuất Rafael Defense Systems, Vòm sắt có tỷ lệ thành công 90%.
Một khẩu đội Vòm sắt bao gồm 4 bệ phóng và mỗi bệ phóng có thể nạp khoảng 20 tên lửa đánh chặn cùng một lúc. Điều này có nghĩa là một khẩu đội Vòm sắt có thể bắn tới 80 tên lửa đánh chặn cùng một lúc. Israel có khoảng 10 khẩu đội có khả năng đánh chặn tới 800 tên lửa, ngay cả khi bị đối phương tấn công.
Ngoài Vòm sắt, Israel còn sở hữu kho vũ khí ấn tượng gồm 1.300 xe tăng Merkava, được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 1970. Những xe tăng này, do công ty quốc phòng Mantak của Israel sản xuất, đóng vai trò là trụ cột trong lực lượng thiết giáp nước này.
Ngoài ra, Israel còn có một lượng lớn xe bọc thép, pháo binh và máy bay không người lái có vũ trang và không vũ trang. Ngoài ra, Israel còn có một đội tàu ngầm và máy bay chiến đấu tiên tiến, bao gồm máy bay F-35 hiện đại.
Với sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ, Israel đã có thể mua các hệ thống vũ khí mới nhất và tốt nhất, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên nhận được máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-35 mà Israel đã cải biến rất nhiều để trang bị hệ thống điện tử hàng không nội địa và có khả năng thả tên lửa và bom do Israel sản xuất.
Ngoài ra, Israel là một quốc gia được cho là có vũ khí hạt nhân. SIPRI ước tính Israel sở hữu tới 80 vũ khí hạt nhân có thể phóng từ máy bay và tên lửa.
Các nhà phân tích an ninh Mỹ và Israel gọi chiến lược hạt nhân của Israel là "Lựa chọn Samson". Chiến lược này giả định rằng Israel sẽ phóng vũ khí hạt nhân vào địch thủ như là một hành động trả thù cuối cùng trong tuyệt vọng nếu họ bị áp đảo. Việc Israel được cho là đã sở hữu vũ khí hạt nhân khiến nước này nắm trong tay lực lượng vũ trang hùng mạnh nhất ở Trung Đông.