Tiêm kích Su-35S dùng pháo đối không diệt khủng bố
Trước việc đồng minh bị khủng bố vây hãm tại phía đông thủ đô Damascus, Su-35S đã chọn cách đánh táo bạo để giải cứu - dùng pháo đối không GSh-30-1.
Thông tin đợt tấn công này được trang Livejournal ngày 2/6 cho biết, các tay súng thuộc Quân đội Syria Tự do (FSA) vừa công bố video cho thấy Su-35S của Nga dùng pháo đối không để tấn công mục tiêu mặt đất.
Theo hình ảnh được công bố cho thấy, chiến đấu cơ Su-35S bay rất gần mặt đất, liên tiếp thực hiện nhiều đợt khai hỏa bằng khẩu pháo gắn trên thân theo loạt ngắn vào các mục tiêu trên mặt đất.
Được biết, ngoài hệ thống vũ khí hạng nặng mang theo, Su-35S được trang bị khẩu pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm. Nó có tầm bắn hiệu quả khoảng 800 m khi thực hiện những màn cận chiến hoặc 1.200 m với mục tiêu mặt đất.
Livejournal cho rằng, trong tình huống xảy ra hôm 2/6, chiếc tiêm kích này sẽ không thể có lựa chọn nào khác trong nhiệm vụ giải cứu đồng minh bởi nếu dùng bom hoặc tên lửa, thương vong ngoài mong muốn có thể xảy ra bởi đồng minh của Nga và phiến quân đang giao tranh ở khoảng cách rất gần.
Tuy nhiên, do đặc tính kỹ thuật của pháo GSh-30-1, khi tiêm kích được trang bị muốn tấn công mặt đất, nó phải bay rất thấp và điều này đã đặt chiếc Su-35S của Nga vào tình huống có thể bị bắn hạ bất cứ lúc nào bằng hệ thống lửa phòng không vác vai (MANPADS) do phiến quân sở hữu.
Theo thống kê của Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR - có trụ sở tại Anh) kể từ giữa tháng 4/2016 đến nay, đã có hàng loạt vụ máy bay của chính phủ Syria bị đối lập và quân khủng bố bắn hạ bằng MANPADS. SOHR cho biết, ngày 14/4/2016, tổ chức khủng bố IS đã bắn hạ một chiến đấu cơ của Không quân Syria gần căn cứ Khilkhileh thuộc tỉnh Swaida, miền Nam nước này.
SOHR nói rằng máy bay trên bị rơi, nhưng viên phi công thoát nạn và đã về được khu vực do chính phủ kiểm soát ở vùng nông thôn Swaida. Trước đó đúng 1 tuần, Mặt trận al-Nusra (một nhánh của Al-Qaeda ở Syria) đã dùng tên lửa MANPADS bắn hạ máy bay Su-22 của Không quân Syria tại Aleppo.
Sau đó còn một số vụ tấn công nữa xảy ra, tất cả đều bằng MANPADS và tất cả nạn nhân của chúng đều là chiến đấu cơ bay tầm thấp. Không phải đến khi máy bay của quân đội chính phủ Syria liên tiếp bị bắn hạ người ta mới chú ý đến dàn vũ khí của phiến quân Syria sở hữu, mà trước đó người ta đã chú ý đến sự nguy hiểm của lực lượng này.
Theo thông tin SOHR thu thập được, gần như chắc chắn những vụ bắn hạ máy bay nói trên đều do vũ khí phòng không có nguồn gốc Mỹ thực hiện. Bởi hiện nay cả IS và al-Nusra và lực lượng đối lập ôn hòa đều có trong tay tên lửa Stinger.
SOHR cho biết thêm, Mỹ đã âm thầm cấp tên lửa chống tăng TOW, tên lửa Stinger cho nhóm đối lập FSA và nhóm này cấp lại vũ khí đó cho nhóm khủng bố al-Nusra. Ngoài ra những vũ khí này còn có thể mua được tại thị trường chợ đen.
Cục trưởng Cục tác chiến điện tử Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, Thượng tướng Andrei Kartapolov trả lời phỏng vấn của báo Komsomolskaya Pravda rằng, nếu quả thực phiến quân IS đang sở hữu các tổ hợp tên lửa phòng không Stinger của Mỹ thì cần phải đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để tổ chức này xem xét và phán quyết.
Được biết, Stinger là tên lửa MANPADS thế hệ 2. Stinger đã làm nên tên tuổi ở vùng núi Afghanistan, nơi nó thể hiện hiệu quả tác chiến cao chống trực thăng và máy bay của Liên Xô. Stinger có khả năng đánh chặn mọi góc độ nghĩa là nó có thể phát hiện và phóng đạn chống máy bay ở mọi góc độ, không chỉ từ phía sau (bắn đuổi).
Các biến thể mới hơn của Stinger được trang bị đầu tìm 2 chế độ làm việc trên 2 dải hồng ngoại và cực tím - giúp vô hiệu hóa các biện pháp đối phó bằng hồng ngoại. Tên lửa Stinger được trang bị đầu đạn lớn hơn các tên lửa thế hệ MANPADS thế hệ 1, giúp nó có nhiều cơ hội thực sự bắn rơi máy bay chiến thuật thay vì chỉ làm chúng bị thương.
Clip Su-35S tấn công khủng bố bằng pháo GSh-30-1:
Theo Đồng Tâm
Đất Việt