1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Thuyền trưởng tàu bỏ lại hàng nghìn tấn hóa học ở cảng Beirut lên tiếng

Minh Phương

(Dân trí) - Thuyền trưởng tàu chở hơn 2.700 tấn amoni nitrat cho biết ông đã cảnh báo về sự nguy hiểm của lô hàng này trước khi nó bị cho là "thủ phạm" gây ra vụ nổ kinh hoàng ở thủ đô Beirut hồi đầu tuần này.

Vụ nổ "như bom hạt nhân" tại Li Băng diễn ra như thế nào?
Thuyền trưởng tàu bỏ lại hàng nghìn tấn hóa học ở cảng Beirut lên tiếng - 1
Ông Boris Prokoshev, thuyền trưởng tàu MV Rhosus, và các thủy thủ tàu đề nghị được giải phóng khỏi con tàu khi bị giữ lại ở cảng Beirut cuối năm 2013 đến giữa 2014. (Ảnh: Reuters)

"Họ đã quá tham lam", Dailymail dẫn lời ông Boris Prokoshev, thuyền trưởng tàu MV Rhosus chở 2.750 tấn amoni nitrat bị bắt giữ tại cảng Beirut năm 2013 cho biết.

Theo lời ông Prokoshev, con tàu đã chở 2.750 tấn amoni nitrat từ Georgia đi Mozambique song phải chuyển hướng neo tại cảng Beirut của Li Băng khi qua Địa Trung Hải theo lệnh của Igor Grechushkin - chủ sở hữu con tàu, người nói rằng họ buộc phải chở thêm hàng để có tiền trang trải chi phí trong giai đoạn khó khăn tài chính. Thủy thủ đoàn được lệnh cập cảng Beirut để lấy thêm hàng là các thiết bị làm đường có trọng lượng lớn để chuyển đến cảng Aqaba của Jordan trước khi tiếp tục hành trình tới châu Phi để chuyển số amoni nitrat cho một nhà sản xuất thuốc nổ.

Thuyền trưởng tàu bỏ lại hàng nghìn tấn hóa học ở cảng Beirut lên tiếng - 2
Igor Grechushkin - chủ sở hữu con tàu (Ảnh: RENTV)

Tuy nhiên, từ đó con tàu không bao giờ rời Beirut vì không thể đưa thêm hàng hóa lên tàu như kế hoạch và vướng vào một cuộc chiến pháp lý vì phí cập cảng. Thuyền trưởng và các luật sư đại diện chủ nợ cáo buộc chủ nhân con tàu bỏ trốn và bỏ mặc con tàu khiến thủy thủ đoàn mắc kẹt trên con tàu neo ở cảng Beirut nhiều tháng. "Chúng tôi sống trên một kho thuốc nổ suốt 10 tháng mà không được trả lương", ông Prokoshev nói.

Ông Prokoshev cũng cho biết, ông đã nhiều lần cảnh báo việc bốc thêm hàng là “không thể” và nó có thể “hủy hoại toàn bộ con tàu” và cảnh báo về sự nguy hiểm của lô hàng amoni nitrat nhưng đều bị phớt lờ.
Theo các email trao đổi giữa ông Prokoshev và luật sư Charbel Dagher ở Beirut, người đại diện cho thủy thủ đoàn ở Li Băng, số amoni nitrat này đã được dỡ xuống tại cảng Beirut vào tháng 11/2014 và cất giữ trong kho suốt 6 năm kể từ đó đến nay bất chấp giới chức hải quan nhiều lần cảnh báo nguy hiểm và đề nghị tái xuất lô hàng ngay lập tức để tránh rủi ro.

“Tôi nghe được thông tin này từ các thủy thủ ở Beirut. Con tàu cuối cùng bị chìm, cách đây khoảng 2-3 năm. Nó có một lỗ thủng nhỏ trên thân và đáng lẽ phải được định kỳ bơm nước ra ngoài, nhưng khi thủy thủ đoàn rời đi, không còn ai để làm việc đó”, ông Prokoshev tiết lộ.
Bình luận về vụ nổ hồi đầu tuần, ông cho rằng, giới chức Li Băng đáng lẽ nên tìm cách phân tán lô hàng đi sớm nhất có thể, thay vì bắt giữ lô hàng và lưu kho suốt 6 năm, họ có thể sử dụng nó cho mục đích sản xuất phân bón.

Thuyền trưởng tàu bỏ lại hàng nghìn tấn hóa học ở cảng Beirut lên tiếng - 3
Vụ nổ phá hủy một nửa thủ đô Beirut. (Ảnh: Twitter)

Vụ nổ lớn chiều 4/8 tại cảng Beirut đã khiến ít nhất 137 người thiệt mạng, hơn 5.000 người bị thương, phá hủy một nửa thủ đô của Li Băng. Hiện chưa thể khẳng định nguyên nhân gây ra vụ nổ kinh hoàng này, song giới chức Li Băng cho rằng hơn 2.700 tấn amoni nitrat có thể là “thủ phạm”. Theo một quan chức quản lý cảng Beirut, vài giờ trước khi xảy ra vụ nổ, nhân viên của họ đã tiến hành bảo dưỡng cửa nhà kho lưu giữ số amoni nitrat này theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Kết quả điều tra vụ nổ dự kiến được công bố trong vài ngày tới.

Thuyền trưởng tàu bỏ lại hàng nghìn tấn hóa học ở cảng Beirut lên tiếng - 4
Nhân viên cảng Beirut sửa cửa kho chứa amoni nitrat vài giờ trước vụ nổ. (Ảnh: Twitter)
Thủ đô của Li Băng biến dạng sau vụ nổ kinh hoàng khiến 135 người chết